Bài 1: “Hạt giống đỏ” ở vùng đất “Vướng nước”
Từ những tư liệu ít ỏi trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Nậm Khánh (giai đoạn 1950 – 2015) giới thiệu về người La Chí, chúng tôi đã tìm hiểu về cộng đồng và công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất “Vướng nước”.
Nằm ở phía Đông Nam huyện Bắc Hà, cách trung tâm huyện 20 km, xã Nậm Khánh xưa kia chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào người Dao. Tên gọi Nậm Khánh xuất phát từ làng đông dân nhất “Nằm kengz”, theo tiếng Dao có nghĩa là “Vướng nước”. Địa hình nơi đây bị chia cắt bởi những dòng suối, đặc biệt là suối Nậm Phàng, về sau người dân gọi lái đi là Nậm Khánh để dễ đọc, dễ viết. Năm 1976, do nghèo đói, một số hộ người dân tộc La Chí từ xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã di cư về mảnh đất Nậm Táng (thôn vùng cao, theo tiếng Dao) và được người Dao nơi đây chia đất để định cư, sinh sống.
Ông Vương Chiến Thanh (thứ 2 bên trái) là đảng viên người La Chí đầu tiên ở Nậm Khánh. |
Ông Vương Chiến Thanh, sinh năm 1966, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Táng lục lọi ký ức nhớ về những ngày đầu di cư đến đất Nậm Khánh. Năm 1976, vào ngày trời rét như cắt da, cắt thịt, gia đình ông và 5 hộ khác quyết định rời quê hương Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì đi tìm miền đất mới với mong muốn thoát nghèo. Đoàn người cứ băng rừng, lội suối mà đi, hơn 1 tuần thì đến Nậm Táng, lương thực mang theo gần cạn, 6 hộ dừng lại dựng lán, đào củ mài, hái rau rừng ăn và phát cây, khai hoang lấy đất canh tác. “Khi đó, Nậm Táng cũng chỉ có vài hộ người Dao, họ sẵn lòng cho chúng tôi ở lại, cùng canh tác và sinh sống. Đó là những ngày đầu người La Chí đến Nậm Khánh sinh sống” – ông Thanh kể.
Những ngày đầu về Nậm Khánh an cư, cuộc sống của người La Chí gặp vô vàn khó khăn, thường phải vào rừng săn bắt, đào củ mài làm lương thực… sau rồi mới phát cỏ, trồng sắn, trồng ngô, lúa. Nhờ kinh nghiệm bậc thầy trong làm ruộng bậc thang, người La Chí dần dần chinh phục những sườn núi dốc, tạo nên những thửa ruộng bậc thang màu mỡ để canh tác lúa nước, ổn định cuộc sống đến ngày nay.
Là một trong những người La Chí đầu tiên về định cư ở Nậm Khánh hơn 40 năm trước, được người Dao chia đất, chính quyền địa phương tạo thuận lợi, ông Vương Chiến Thanh luôn ý thức được phải đóng góp sức mình để xây dựng Nậm Khánh ngày càng giàu đẹp. Nhờ tích cực tham gia các phong trào, năm 1990, ông Thanh được người dân trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, sau đó là Phó Bí thư Chi đoàn xã Nậm Khánh. Năm 1995, ông Thanh là người La Chí đầu tiên vinh dự được kết nạp Đảng tại Chi bộ xã Nậm Khánh và trở thành tấm gương để thế hệ trẻ người La Chí trong vùng noi theo.
“Xúc động, tự hào, vinh dự là những cảm xúc khắc sâu trong trái tim tôi khi được đứng trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng đọc lời tuyên thệ. Gần 25 năm trôi qua, cảm xúc đó vẫn như mới hôm qua, đó là động lực để tôi phấn đấu rèn luyện, vận động người dân và gia đình mình một lòng theo Đảng” – ông Vương Chiến Thanh tâm sự.
Sau khi được kết nạp Đảng, ông Vương Chiến Thanh tiếp tục phấn đấu, dần dần được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền và tổ chức đảng ở địa phương. Nhiệm kỳ 2000 – 2005, ông Thanh được đại hội bầu vào Chi ủy viên Chi bộ Nậm Khánh, giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND; nhiệm kỳ 2005 – 2010, làm Phó Bí thư Đảng ủy (năm 2006, thành lập Đảng bộ xã Nậm Khánh), Chủ tịch UBND xã; nhiệm kỳ 2010 – 2015, giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; sau khi nghỉ hưu năm 2015, ông tiếp tục đảm nhiệm chức Bí thư Chi bộ thôn Nậm Táng.
Anh Lý Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khánh, cũng là người dân tộc La Chí cho biết: Trước khi ông Vương Chiến Thanh được kết nạp Đảng, hầu như người dân La Chí chưa hiểu nhiều về Đảng, chưa hiểu tại sao đứng trong hàng ngũ của Đảng lại là vinh dự, tự hào? Vì sao một lòng theo Đảng là con đường đúng đắn nhất để có cuộc sống no ấm? Ông Thanh được kết nạp Đảng là niềm tự hào của không chỉ gia đình, dòng họ, mà còn là niềm vinh dự của cả cộng đồng người La Chí ở Nậm Khánh bởi trở thành đảng viên chính là “cuộc cách mạng” đối với bà con La Chí ở Nậm Khánh nói riêng.
Được ông Thanh giác ngộ, nhiều thành viên trong gia đình ông Thanh đã phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong số 12 đảng viên người La Chí ở Nậm Khánh, ngoài ông Thanh còn có 4 thành viên trong gia đình ông. Con dâu ông Thanh là chị Lý Thị Hương (người Dao) cũng được kết nạp Đảng.Vì thế, không chỉ những thành viên trong gia đình, tất cả người La Chí ở Nậm Khánh đều coi ông Thanh là tấm gương để phấn đấu.
Được biết, anh Lý Văn Phong, sinh năm 1986, năm 1993 thì chuyển về thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh sinh sống. Từ bé, anh đã ham học hỏi và thích tham gia các hoạt động trong thôn. Nhận thấy tiềm năng, ông Thanh và các đảng viên trong xã đã động viên, định hướng anh phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngày 19/5/2006, kỷ niệm 116 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lý Văn Phong được vinh dự kết nạp Đảng khi vừa tròn 20 tuổi. Hơn 1 năm sau, anh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Khánh. Là đảng viên trẻ, khi được giao trọng trách mới, Lý Văn Phong luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và không ngừng học hỏi. Đến năm 2019, anh là người dân tộc La Chí đầu tiên ở Nậm Khánh tốt nghiệp đại học. Đầu năm 2020, anh được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khánh.
Người La Chí ở xã Nậm Khánh sinh sống rải rác theo các sườn núi. |
“Nói được kết nạp Đảng là cuộc cách mạng với người La Chí bởi từ khi có Đảng soi đường, người dân đã năng động hơn và tích cực lao động, sản xuất. Từ chỗ thiếu ăn, đến nay cuộc sống của người La Chí ở Nậm Khánh cơ bản no đủ, không còn hộ đói, nhiều hủ tục được xóa bỏ. Bên cạnh đó, người dân đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới” – anh Phong cho biết.
Lấy dẫn chứng về việc loại bỏ phong tục lạc hậu ra khỏi đời sống, anh Phong cho biết: Trước đây, người La Chí có tục kéo vợ gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống gia đình sau này. Tục thách cưới cao (30 đồng bạc trắng, 1 con trâu, 30 kg thịt lợn, 30 kg gạo…), hoặc việc tổ chức tiệc cưới linh đình nhiều ngày khiến nhiều gia đình kiệt quệ kinh tế sau khi cưới vợ cho con. Nhờ được các đảng viên, chính quyền địa phương vận động, hủ tục này bây giờ không còn xuất hiện trong cuộc sống của người dân tộc La Chí nơi đây. Sự phân biệt đối xử nam nữ vốn hằn sâu trong tiềm thức người La Chí cũng dần được xóa bỏ.
Nhờ có Đảng và những đảng viên được coi là “hạt giống đỏ” đã làm thay đổi nhận thức của người La Chí ở mảnh đất “Vướng nước”. Trong tổng số 66 hộ, 388 khẩu người La Chí sống chủ yếu ở thôn Mà Phố, Nậm Táng, Nậm Tồn, đến nay chỉ còn 23 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, còn lại là hộ khá và giàu. Nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng quế, tích cực chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập. Cuộc sống người dân nơi đây đã đổi thay nhiều so với thời điểm người La Chí về đây khai hoang, định cư.