Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. |
Trong năm 2022, hoạt động chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị theo hướng công khai, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ công đến người dân, thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển chính trị, kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vũ Hùng Dũng báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số năm 2022. |
Theo báo cáo tại hội nghị, trong số 20 mục tiêu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đề ra, đến nay đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu 13 mục tiêu. Trong 13 mục tiêu đã đạt và vượt kế hoạch có 1 mục tiêu về phát triển hạ tầng số, 6 mục tiêu về chính quyền số và 6 mục tiêu thuộc kinh tế số và xã hội số.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.542/1.562 thôn, tổ dân phố được phủ sóng tại khu vực trung tâm, các khu vực tập trung dân cư. 52 thôn chưa có hạ tầng đáp ứng việc cung cấp dịch vụ; các thôn chưa có sóng tập trung tại các xã khó khăn của các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà. 20 thôn “trắng” sóng 2G; 52 thôn “trắng” sóng 3G, 4G; 323 thôn chưa có dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định.
Về xây dựng chính quyền số, các ngành, địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến. Hiện toàn tỉnh có 1.761/1.966 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 89,5%. Tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng tại cấp tỉnh là 89%/85%, cấp huyện là 88%/82%, cấp xã là 93%/82%.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường nhấn mạnh: Cần tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác với các tập đoàn viễn thông, trong công tác chuyển đổi số cần ưu tiên quan tâm hạ tầng số và chính quyền số. |
Về phát triển kinh tế số, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; thực hiện đưa 137/139 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử (đạt 98,6%). 100% chủ thể đã có tài khoản thanh toán điện tử. 100% sản phẩm OCOP đã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử tỉnh và trang thông tin xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang đề xuất nên nghiên cứu thêm về cơ chế đặt hàng với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cho tỉnh, tạo sự bền vững cho nguồn nhân lực chuyển đổi số. |
Công tác chuyển đổi số hiện còn gặp nhiều khó khăn như: Việc triển khai các nền tảng số, quy hoạch dữ liệu, xây dựng dữ liệu dùng chung còn hạn chế, chưa tạo lập được kho dữ liệu, hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành; thiếu nhân lực phụ trách an toàn thông tin, chuyên gia về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đa số người dân trên địa bàn tỉnh chưa được hướng dẫn các kỹ năng số cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tập trung chỉ đạo, điều phối các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được 23 mục tiêu quan trọng. Quan điểm của tỉnh về chuyển đổi số là xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, động lực để chuyển đổi số; chuyển đổi số để giải quyết những vấn đề, những khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp; xây dựng thể chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực, tăng cường công tác quản lý; phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các sản phẩm du lịch, OCOP và các sản phẩm đặc hữu của tỉnh…
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tập trung chỉ đạo, đầu tư trọng điểm vào một số lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số có sức lan tỏa, tạo ra hiệu ứng như y tế, giáo dục, cửa khẩu, doanh nghiệp, đô thị thông minh và chuyển đổi số du lịch; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành, chuyển đổi số cần đề cao tính thực chất, hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra các ý kiến về kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh năm 2023 cũng như góp ý vào kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số và cải thiện chỉ số DTI của tỉnh và danh mục các sản phẩm đặc trưng về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 – 2025.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh nhấn mạnh: Để chuyển đổi số thành công phải có sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Chuyển đổi số trong năm tới cần ưu tiên cho phát triển hạ tầng nền tảng dữ liệu, phối hợp với các cơ quan liên quan có phương án nâng cấp hạ tầng, lưu ý cần lựa chọn những yếu tố ưu tiên. Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số cho người dân. Các nền tảng và ứng dụng cần liên thông, kết nối với nhau; nâng cấp các phần mềm dùng chung theo hướng phát triển thành nền tảng quản trị công việc tổng thể, giảm thiểu thời gian của doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ cấp định danh điện tử cho công dân và tổ chức; chủ động điều chỉnh các hệ thống thông tin, phần mềm có sử dụng danh tính điện tử thay thế cho các giấy tờ khác và triển khai đầy đủ các biện pháp bảo vệ an ninh mạng và an toàn thông tin mạng theo quy định.