Năm 2022, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào các dân tộc thiểu số xoá bỏ phong tục tập quán lạc hậu, nhất là chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Việc tuyên truyền được thực hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Đài Phát thanh – Truyền hình của tỉnh, Báo Lào Cai, hệ thống truyền thanh của huyện, xã; các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn, bản. Đăng tải hơn 3.000 tin, bài tuyên truyền, 2.932 tờ rơi, xây dựng 457 pa-nô và 121 áp-phích về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tổ chức 278 buổi tuyên truyền cho 10.337 lượt người,…
Quang cảnh hội nghị.
Các cấp, các ngành đã tăng cường triển khai xây dựng các mô hình điểm, các Câu lạc bộ về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với nội dung như: “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn với hôn nhân gia đình”,… Năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố duy trì 58 mô hình với 3.527 thành viên tham gia. Các Mô hình, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quy chế xây dựng; thường xuyên cập nhật kiến thức mới, phối hợp tổ chức tuyên truyền các nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thực hiện khảo sát và xây dựng mới 17 Mô hình điểm Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS tại các xã có nhiều người tảo hôn với trên 3.000 thành viên tham gia.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị địa phương đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. UBND cấp xã đã xử phạt vi phạm hành chính 40 trường hợp vi phạm tảo hôn, kinh phí là 65 triệu đồng.
Theo số liệu báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 197 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng; tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông (chiếm 86.84%) tại huyện Bắc Hà (125 người), Mường Khương (84 người), Si Ma Cai (82 người), Bát Xát (80 người),… Đặc biệt, có 615 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên do tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trình độ phát triển của các dân tộc không đồng đều; trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; Ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân vẫn còn tồn tại trong một số dân tộc, dẫn đến nhiều gia đình quyết định dựng vợ gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn; Đầu năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến các em học sinh nghỉ học ở nhà dài ngày, theo bạn bè đi chơi và yêu đương, muốn lấy nhau;…
Đại biểu huyện Bát Xát phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn các giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2023. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các chế tài xử về xử phạt hành chính và hình sự liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, mục tiêu đặt ra năm 2023, tỉnh Lào Cai tiếp tục duy trì không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; Giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn so với năm 2022; Giảm 30% phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022; Tiếp tục duy trì thực hiện 17 Mô hình điểm Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gắn với thực hiện “Dân vận khéo về cải tạo tập quán lạc hậu”; Bồi dưỡng kỹ năng về vận động, tư vấn, truyền thông cho cán bộ, công chức tham gia công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống,…