Lào Cai là tỉnh có có nhiều dân tộc thiểu số chung sống, đa số ở vùng nông thôn miền núi, biên giới, vùng sâu còn nhiều khó khăn. Nếu như trước đây, tất cả người dân tộc thiểu số đều được cấp thẻ BHYT miễn phí, thì từ tháng 7/2021 có sự thay đổi về cơ chế, chính sách theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, tỉnh Lào Cai có 552 thôn bản với 30 nghìn người bị tác động phải chuyển sang tham gia bảo hiểm y tế bằng nhiều hình thức, như thay đổi đối tượng hoặc phải tự mua thẻ BHYT theo hộ gia đình dẫn đến tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế sụt giảm.
Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ổn định, bền vững, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp góp phần nâng cao tỷ bao phủ bảo hiểm y tế, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Các sở, ban, ngành có các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp tỉnh triển khai xây dựng chính sách hỗ trợ người dân mua BHYT từ ngân sách địa phương với một số nhóm đối tượng ưu tiên. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND cấp huyện, BHXH triển khai chính sách BHYT với hộ nông lâm ngư mức sống trung bình cùng với kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022. Đồng thời hướng dẫn thủ tục, phối hợp các địa phương làm rõ các nội dung vướng mắc về xác định đối tượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng tham gia BHYT.
Đặc biệt, để phát triển đối tượng tham gia BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, thúc đẩy mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế rộng rãi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đơn vị đã phối hợp các ngành, địa phương thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền những thông tin về hữu ích của BHYT đến với người dân, giúp người dân nâng cao nhận thức về quyền lợi khi tham gia BHYT, mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới BHYT toàn dân. Để bao phủ bảo hiểm y tế đến hộ gia đình trên địa bàn, Bản hiểm xã hội tỉnh đã xác định tập trung mạnh vào tuyên truyền, giải thích lợi ích mua bảo hiểm y tế, đến tận thôn bản, hộ gia đình thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua hình ảnh minh họa sinh động, phát loa công cộng tại nhà văn hóa xã, cụm dân cư, chợ phiên… Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội cấp huyện phối hợp với các Tổ tuyên vận các xã, thị trấn lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo hiểm y tế trong các buổi tuyên truyền và vận động tại cơ sở. Đồng thời, phối hợp các trường học để phát tờ rơi, tuyên truyền miệng về bảo hiểm y tế tại các buổi chào cờ đầu tuần và sinh hoạt ngoại khóa…
Nhiều tiện ích được tích hợp trực tuyến, tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai đã xây dựng được 50 đại lý thu và 250 điểm thu. Hệ thống đại lý thu trên địa bàn tỉnh đã bao phủ 107/152 xã, phường, thị trấn, mỗi điểm thu luôn được bố trí ít nhất một nhân viên thường trực tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh còn triển khai thực hiện giao dịch điện tử đối với thủ tục cấp mới, cấp lại, cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế và dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, nhận thẻ bảo hiểm y tế qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu cần xử lý các vấn đề liên quan đến BHYT của mình. Ngoài ra, người dân có thể trực tiếp đến bộ phận tiếp nhận của Bảo hiểm xã hội để nộp hồ sơ cấp lại, cấp đổi và nhận kết quả… Nhờ vậy, đến nay tỉnh Lào Cai có gần 690 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90% dân số.
Trong năm 2022, để đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,6%, các cấp, ngành, đoàn thể liên quan cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ cấp tỉnh đến cơ sở. Cần tuyên truyền, nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT trong đời sống kinh tế, xã hội cũng như các quyền lợi khi tham gia BHYT, để người dân hiểu và tham gia, bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân và an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế địa phương ngày càng vững mạnh./.