Lãnh đạo Báo Nhân Dân và tỉnh Lào Cai tham quan Bảo tàng tỉnh.
Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ, bảo quản, trưng bày hơn 20 nghìn hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và khoa học. Đặc biệt, có một số hiện vật quý, độc bản đã trình hồ sơ công nhận là bảo vật quốc gia, như lôi đồng (niên đại trên 2.200 năm), tượng thần Natajara múa (khoảng thế kỷ XVIII). Ngoài ra còn có hàng nghìn hiện vật gắn liền với quá trình phát triển của tỉnh từ sau khi tái lập, như bộ trống đồng Đông Sơn đời đầu, gồm 12 chiếc được phát hiện tại khu vực đầu đường Ngô Quyền, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai vào năm 1993 – thời điểm thị xã Lào Cai (cũ) bắt đầu giai đoạn xây dựng, mở rộng. Đây là những hiện vật có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, minh chứng cho sự xuất hiện và khẳng định chủ quyền của người Việt cổ trên miền biên giới Lào Cai… được cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh sưu tầm, bảo tồn nguyên trạng. Để có được những tư liệu, hiện vật quý giá, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm đã mất khá nhiều công sức, thời gian. Họ lặn lội đến từng bản làng, ngõ ngách để tìm hiểu khi nắm bắt được thông tin về hiện vật và khám phá được tư liệu có giá trị. Mỗi cuộc tìm kiếm hiện vật, đều được lập kế hoạch, lên đề tài và tổ chức thực địa nắm bắt, sưu tầm. Nhiều tư liệu hiện vật được tìm thấy mang giá trị và đảm bảo các yếu tố để có thể phục vụ nghiên cứu và trưng bày.
Bảo tàng tỉnh Lào Cai – Điểm đến hấp dẫn về lịch sử, văn hóa.
Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh Lào Cai còn phát động Cuộc Vận động hiến tặng tư liệu và hiện vật trưng bày cho Bảo tàng, qua đó, đã sưu tầm nhiều tư liệu, hiện vật quý phục vụ cho nghiên cứu và trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Những tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai là những minh trứng về giá trị lịch sử, văn hóa, là kho tư liệu quý báu về vùng miền mà những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng luôn cố gắng nỗ lực, dành sự trân trọng, nâng niu để công chúng hiểu được lịch sử quá trình phát triển mọi mặt ở Lào Cai.
Những hiện vật có niên đại hàng nghìn năm, những tri thức bản địa đã tồn tại và song hành cùng dân tộc, những công cụ trong sinh hoạt và lao động đã trở thành nét văn hóa. Tất cả những tư liệu, hiện vật ấy là sự đúc kết trong quá trình hình thành và phát triển của thiên nhiên, con người và vạn vật trên đất Lào Cai đang được trưng bày, giới thiệu tại Bảo Tàng tỉnh. Thông qua đó, khách tham quan hoặc các nhà nghiên cứu có thể hình dung một cách sinh động về cuộc sống, lao động, nét văn hóa, tri thức dân gian của mỗi dân tộc gắn liền với từng giai đoạn.
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Nhằm lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa tới đối tượng công chúng, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên, từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng đã tăng cường phối hợp với các trường học, xây dựng những chương trình trải nghiệm thực tế, clip về di sản văn hóa; tổ chức các trò chơi lồng ghép giáo dục, giới thiệu kiến thức lịch sử… qua đó, tạo được cầu nối đưa kiến thức sinh động đến với học sinh, sinh viên. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy tại nhà trường gắn với hoạt động tham quan và trải nghiệm tại Bảo tàng đã mang lại hiệu quả bước đầu thiết thực, hữu ích, tạo sự hấp dẫn đối với học sinh và định hướng giáo dục của nhà trường.
Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, Bảo tàng tỉnh Lào Cai đang hướng tới việc sử dụng tối đa các phương tiện, trang thiết bị hiện đại vào công tác trưng bày, tuyên truyền như: hệ thống nghe nhìn, màn hình cảm ứng, trang web… với mục tiêu sẽ từng bước nâng cao chất lượng công tác phát huy giá trị Di sản văn hóa tới công chúng. Thông qua trưng bày bảo tàng góp phần giáo dục truyền thống và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.