Hiện nay, khi tới tham quan Bảo tàng tỉnh, những suy nghĩ của người xem về không gian nhàm, cũ đã thay đổi bởi cách bài trí hiện đại, giàu bản sắc. Hàng nghìn tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày như những câu chuyện ấn tượng và sinh động. Có lẽ, đây chính là lý do những năm qua, Bảo tàng đã thu hút rất đông du khách. Riêng năm 2019, bảo tàng thu hút 15.338 lượt khách; năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều hoạt động trưng bày, tham quan trải nghiệm tại Bảo tàng đã phải tạm dừng. Bảo tàng đã tập trung chuyển hướng sang thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn sâu về nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng các đề cương trưng bày, các nội dung truyền thông về Bảo tàng.
Các em học sinh tham quan, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống.
Nhằm đưa giá trị lịch sử, văn hóa tới đối tượng công chúng, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên, từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng đã tăng cường phối hợp với các trường học, xây dựng những chương trình trải nghiệm thực tế, clip về di sản văn hóa; tổ chức các trò chơi lồng ghép giáo dục, giới thiệu kiến thức lịch sử… qua đó, tạo được cầu nối đưa kiến thức sinh động đến với học sinh, sinh viên. Đặc biệt, năm 2022, Bảo tàng triển khai ký kết chương trình “Tổ chức các hoạt động giáo dục giữa Bảo tàng tỉnh và Trường THCS Nam Cường”. Đây là trường học đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai ký kết chương trình phối hợp với Bảo tàng. Hai bên đã cùng thống nhất nội dung phối hợp hướng đến mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục gắn với Trường học và Bảo tàng; hình thành cho các em học sinh được tham gia học tập, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc Lào Cai, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và định hướng việc giáo dục, gắn với việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh Lào Cai.
Bảo tàng tỉnh Lào Cai và Trường THCS Nam Cường ký kết chương trình phối hợp.
Không tự bằng lòng với chính mình, đội ngũ cán bộ Bảo tàng luôn tìm tòi, sáng tạo trong công tác chuyên môn. Tiêu biểu, trong công tác giới thiệu giá trị của hiện vật, tài liệu, Bảo tàng cũng có cách làm mới đó là thường xuyên đổi mới công tác trưng bày, với các chuyên đề: “Thương nhớ thời bao cấp”;“Tết Việt”; Bộ công cụ các trò chơi dân gian và trải nghiệm văn hóa các dân tộc; Đa dạng sinh học Lào Cai; Sắc màu văn hóa các dân tộc; Lào Cai cổ sinh và thời kỳ đồ đá; Thời đại kim khí ở Lào Cai v.v… Tổ chức các buổi học ngoại khóa, các buổi tham quan trải nghiệm cho các em học sinh như: “Trải nghiệm tạo hoa văn và nhuộm chàm trên vải; Trải nghiệm công đoạn nhào, nặn và vẽ hoa văn nghề làm gốm v.v… Thông qua buổi học, các em học sinh có thêm những hiểu biết về văn hóa dân tộc Lào Cai và nghề truyền thống ở địa phương.
Để đạt được kết quả đó đòi hỏi cán bộ bảo tàng phải không ngừng lao động sáng tạo, một trong những công việc quan trọng mà Bảo tàng chú trọng là chất lượng tuyên truyền giáo dục thông qua các sự kiện, hiện vật. Ngoài ra, quan tâm đổi mới từ việc đón khách, cung cách phục vụ, thuyết minh tại phòng trưng bày… Cán bộ hướng dẫn luôn có mặt tại phòng trưng bày, hướng dẫn khách tham quan. Tuỳ vào từng đối tượng mà có cách thuyết minh khác nhau. Với những nỗ lực, đổi mới trong những năm qua, công tác trưng bày và giáo dục của bảo tàng đã đạt được những hiệu quả tích cực, thu hút nhiều lượt khách đến tham quan.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Những năm qua, toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Bảo tàng không ngừng nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng hoạt động để thu hút khách đến tham quan. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, các sưu tập hiện vật tại Bảo tàng thường xuyên được thay đổi, chỉnh lý, bổ sung để luôn tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn tránh sự đơn điệu, nhàm chán. Cùng với đó, Bảo tàng còn mở rộng không gian trưng bày, giới thiệu lịch sử, văn hóa nhằm phục vụ công chúng, nhất là giới trẻ nhân những sự kiện chính trị, xã hội của tỉnh”.