Bà Ma Thị Sơ vẫn luôn đau đáu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.
Truyền thống của những cô gái dân tộc Tày nơi đây, bất kể giàu hay nghèo, hầu hết các gia đình có con gái cũng đều truyền lại nghề đan lát và dệt thổ cẩm. Bởi vậy, những cô gái Tày ở ven dòng Nậm Luông xanh mát hầu như đều biết đan từ thời thiếu nữ. Nhiều người còn biết đan từ nhỏ, khi nhìn thấy trong nhà bà mình, mẹ mình ngồi đan mà yêu thích mà học làm theo. Cứ thế, trong kho tàng bản sắc văn hóa của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô cho đến tận bây giờ vẫn hiện hữu một nghề đan truyền thống trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại.
Bà Ma Thị Sơ vừa đan chiếc làn cho khách đặt, vừa trò chuyện: Nghề đan này tôi học từ bà ngoại lúc còn trẻ, hồi ấy mới mười tám, đôi mươi tuổi. Bởi theo truyền thống của đồng bào Tày, trước khi về nhà chồng, cô gái Tày phải đan một đôi “níp” – chiếc hòm hình chữ nhật có nắp đậy, được làm từ cây giang, mây để đựng đồ quần áo, chăn màn để về nhà chồng. Sau này, về nhà chồng, tôi lại được mẹ chồng dạy đan những mẫu hoa văn, kiểu đan những đồ vật dụng trong nhà như cái “điêng” (giỏ), cái “bớp” (làn), mẹt, rổ, rá, nong, nia, dần, sàng…
Đã ở vào cái tuổi gần “thất thập cổ lai hy”, nhưng đôi mắt của bà Sơ vẫn tinh tường và đôi bàn tay vẫn khéo léo đan lát các đồ thủ công từ tre, nứa theo kiểu truyền thống. Hằng ngày, vừa lên nương thả trâu, chồng bà vừa tranh thủ chẻ giang giúp vợ ở nhà đan cho kịp đồ khách đặt. Nghề đan lát tạo những hoa văn rất riêng trong đồ đan lát của người Tày. Đưa chiếc “níp” đang đan dở, bà Sơ chỉ cho tôi những sợi giang nhuộm màu và bật mí cách làm của người Tày: Để tạo màu cho nan giang khi phối tạo nên hoa văn như thế này, trước khi chẻ nan, cắt khúc ống giang theo độ dài cần dùng. Sau đó dùng dao cạo vỏ ống giang cho nhẵn, rồi dùng củ nâu cắt ra và xát mạnh lên phần vỏ của ống giang. Tiếp đến là cạo nhọ nồi và dùng bột nhọ nồi miết vào ống giang đã có nhựa củ nâu. Khi ống giang đã ngấm đủ nhọ nồi, đem ống giang hong cho khô. Cuối cùng là chẻ nan và đan. Tuy nhiên, khi đan cũng cần phải lựa tay cho khéo léo để không bị xước màu trên sợi nan giang. Cách tạo hoa văn trên chiếc “níp” này người Tày gọi là kỹ thuật đan “nhặt hoa”…
Để đan hoàn thành một chiếc Níp theo kiểu truyền thống phải mất nhiều công đoạn. Chiếc “níp” thường được phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô đan 2 lớp tạo độ cứng cáp, chân đế được làm nẹp tre hoặc gỗ buộc dây mây, bên trên có nắp đậy. Ngoài chiếc Níp, vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình người Tày đó là chiếc Điêng (giỏ) để đi nương, đi rừng và đi làm ruộng. Chiếc giỏ đan có nắp, buộc dây thổ cẩm tự dệt để trang trí. Khi dùng thì buộc ngang thắt lưng dùng để những vật dụng, có khi là nắm rau rừng, khi là đồ ăn trầu của người già…Còn chiếc “bớp” – là chiếc làn được đan bằng tre nứa, có quai xách tết bằng mây, nhiều người đan chiếc Bớp từ cuống lá cọ cũng rất đẹp. Những chiếc mẹt nhỏ xinh đựng hạt giống, đựng kim chỉ hay đơn giản để đựng các loại củ gia vị (gừng, nghệ, hành, tỏi khô….) trong gian bếp cũng được người Tày ở Nghĩa Đô khéo léo đan thành những sản phẩm có hoa văn trang trí độc đáo.
Để bảo tồn nghề đan truyền thống của đồng bào Tày, xã Nghĩa Đô đã thành lập Hợp tác xã nghề truyền thống với gần hai chục thành viên, thực hiện khôi phục và giữ gìn, bảo tồn nghề đan lát truyền thống. Hiện tại, các thành viên của Hợp tác xã nghề truyền thống đang được chuyên gia tư vấn xây dựng các mẫu thiết kế sản phẩm đan lát dựa trên chất liệu truyền thống của đồng bào Tày để tạo ra các sản phẩm mới có ý nghĩa ứng dụng trong đời sống xã hội (quà tặng lưu niệm, trang trí không gian sống, vật dụng trong gia đình…). Bà con sẽ được tiếp cận mẫu thiết kế mới kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong đời sống. Đặc biệt, các mẫu sản phẩm thiên về decor – trang trí nhà cửa, không gian sống. Hiện tại, xu hướng dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường và hướng đến những giá trị truyền thống nên không ít người đã biết đến các sản phẩm và tìm đặt mua đồ thủ công mỹ nghệ đan lát từ Hợp tác xã nghề truyền thống xã Nghĩa Đô.
Một số sản phẩm đan lát truyền thống kết hợp thiết kế hiện đại để trang trí không gian sống.
Các sản phẩm đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô.
Ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: Trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Đô, xã xác định việc bảo tồn và phát triển nghề đan lát truyền thống không chỉ góp phần phát triển du lịch mà còn thúc đẩy hiệu quả kinh tế nông thôn của địa phương. Do đó, Hợp tác xã thành lập nhằm quy tụ những nghệ nhân và những thợ lành nghề trong các thôn bản, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, hình thành nên sản phẩm đan lát truyền thống mang thương hiệu Nghĩa Đô./.