Trong giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Lào Cai đã tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và mở rộng rà soát 04 di sản tại 152 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố; thu thập bổ sung thông tin về nghệ nhân, người am hiểu nắm giữ giá trị các di sản và các địa điểm tổ chức, thực hành di sản cho hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hiện có. Đồng thời mở 20 lớp truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, cách thức tổ chức nghi lễ cho cộng đồng với 44 nghệ nhân, người uy tín, am hiểu văn hóa hướng dẫn, truyền dạy di sản cho 400 người tham gia là người dân tộc Mông, Tày, Hà Nhì, Dao, Giáy, Xá Phó.
Lào Cai cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cộng đồng về nội dung bảo vệ và phát huy 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có 11 di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một như: Chạm khắc bạc dân tộc Mông, Nghi lễ Then của người Tày, Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Xá Phó, Tết Sử Giề Pà của người Bố Y, Nghệ thuật The (múa) người Tày, Lễ Cúng rừng Gạ Ma Do dân tộc Hà Nhì, Nghệ thuật Khèn của người Mông, Nghi lễ Mo tham thát dân tộc Tày, Mo dân tộc Giáy, Nghi lễ cấp sắc người Dao, Lễ cúng rừng (Khoi Kìm) dân tộc Dao, Nghề Chàng slaw của người Nùng Dín và 9 di sản văn hóa phi vật thể khai thác phục vụ phát triển du lịch gồm: Nghề Chạm khắc bạc dân tộc Mông thị xã Sa Pa, Kéo co người Tày, người Giáy, Lễ hội Roóng Poọc dân tộc Giáy tại xã Tả Van, Lễ hội Khô già già dân tộc Hà Nhì huyện Bát Xát, Nghệ thuật Khèn của người Mông, Chạm khắc bạc người Dao Đỏ, Nghi lễ Pút tồng, Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Xá Phó, Khắp Nôm dân tộc Tày.
Thi kéo co tại thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà.
Bên cạnh đó, tiến hành quay phim, chụp ảnh bổ sung tư liệu cho 16 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 9 di sản có nguy cơ mai một và 7 di sản xây dựng thành sản phẩm nhằm quảng bá, giới thiệu phục vụ phát triển du lịch (Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Kéo co của người Tày, người Giáy, Lễ hội Khô già già người Hà Nhì đen, Lễ Pút tồng của người Dao đỏ, Nghệ thuật Khèn của người Mông, Nghề Chàng slaw của người Nùng Dín, Lễ hội Roóng Poọc dân tộc Giáy). Toàn bộ 16 di sản và dựng thành phim, lưu giữ, cấp phát về cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp xã có di sản để thực hiện tuyên truyền và phát huy ý thức tự bảo vệ di sản trong cộng đồng.
Hỗ trợ nghiên cứu phát huy các di sản thành sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu nghiên cứu, trải nghiệm, tham quan, mua sắm của khách du lịch. Trong đó, chú trọng đến các di sản Nghi lễ Then của người Tày ở xã Tà Chải (huyện Bắc Hà); Nghề Chạm khắc bạc của người Mông ở xã San Sả Hồ (thị xã Sa Pa),… Xây dựng các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm từ thổ cẩm, đồ trang sức bạc. Xây dựng 7 video quảng bá, giới thiệu 7 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Biên tập và xuất bản 23 bộ tờ rơi, tập gấp giới thiệu về 23 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện 19 bản đồ phân bố đối với 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Xuất bản cuốn sách song ngữ Việt – Anh về “Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Lào Cai” giới thiệu 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với việc triển khai nhiều hoạt động như rà soát, đánh giá hiện trạng, nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu; tổ chức truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, cách thức tổ chức nghi lễ, nội dung công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức phục dựng quay phim, chụp ảnh bảo tồn; khai thác, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thành sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch… Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 – 2020” đạt 100% mục tiêu đề ra. Qua đó góp phần quan trọng bảo vệ, lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai và đưa các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng bền vững./.