Huyện Bảo Yên hiện có 48% lao động qua đào tạo, bồi dưỡng; trên 90% lao động có việc làm thường xuyên. Lao động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp chiếm trên 78% tổng số người trong độ tuổi lao động; 16,2% lao động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; còn lại là lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.
Trong 5 năm qua, huyện Bảo Yên đã tổ chức 46 lớp học nghề với hàng nghìn lượt lao động, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghề thường xuyên cho 2.304 lao động nông thôn. Nội dung đào tạo theo chương trình chuẩn, phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng lao động trên địa bàn, góp phần đạt các tiêu chí nông thôn mới tại các xã trên địa bàn huyện. Toàn huyện đã có 14/16 xã đạt tiêu chí “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo”; 16/16 xã đạt tiêu chí “Tỷ lệ lao động có việc làm”. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 34% (năm 2015) lên 48% (năm 2020). Điều đó chứng tỏ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Bảo Yên đã mang lại một số hiệu quả nhất định.
Học viên tham gia thực hành tại lớp đào tạo kỹ năng du lịch cộng đồng. (Ảnh: Thanh Nam)
Để đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 và trở thành huyện phát triển khá của tỉnh, huyện Bảo Yên xác định đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm là giải pháp then chốt cho phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã xác định đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 1 trong 4 lĩnh vực đột phá cho mục tiêu phát triển của địa phương giai đoạn 2020 – 2025, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó trên 30% lao động có bằng cấp, chứng chỉ.
Huyện đã đề ra những giải pháp cụ thể, có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp tuyển lao động đi đào tạo và sử dụng lao động của địa phương. Khi triển khai các dự án, có cam kết của chủ dự án đào tạo và tuyển dụng lao động của địa phương, đặc biệt là đối với lao động bị thu hồi đất dự án. Bố trí thêm nguồn lực cho các chương trình đào tạo nghề hướng tới các đối tượng yếu thế như người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật… để tạo cơ hội tiếp cận học nghề và việc làm cho mọi đối tượng trong xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần thực hiện tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, huyện Bảo Yên sẽ tập trung đào tạo một số ngành nghề phi nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện phát triển từng huyện để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương. Huyện Bảo Yên chỉ đạo cấp xã phải là trung tâm, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo và xác định đối tượng lao động được hỗ trợ học nghề. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định nghề đào tạo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương và lựa chọn cơ sở dạy nghề đủ điều kiện, có uy tín, chất lượng.
Đẩy mạnh hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề. Huy động các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân có đủ điều kiện tích cực tham gia công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn…