Bảo Yên phấn đấu đến 2025, 30% diện tích quế chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. |
Năm 2020, gia đình anh Triệu Xuân Én, ở bản Nhàm, xã Xuân Hòa tham gia mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với 0,8 ha. Anh Én cho biết: Mình phải thay đổi thói quen sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng chủng loại, liều lượng cho phép. Quy trình sản xuất vất vả hơn, năng suất thu hái cũng thấp hơn, nhưng bù lại, giá luôn ổn định và không lo tiêu thụ vì thu hái đến đâu các đại lý chè thu mua hết đến đó.
Ngoài xã Xuân Hòa, mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang được Công ty chè Đại Hưng liên kết sản xuất với hàng trăm hộ ở các xã: Tân Dương, Xuân Thượng, Lương Sơn, Phúc Khánh, Lương Sơn, với khoảng 200 ha. Tại khu vực xã Xuân Hòa, xã Vĩnh Yên, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho huyện quy hoạch, xây dựng để cấp chứng nhận tiêu chuẩn quế hữu cơ khoảng 2.000 ha. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP phát huy hiệu quả về giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Nhữ Thị Tâm, Phó Trưởng Phòng Nông và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, sạch, nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp của Bảo Yên còn hạn chế. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 30% diện tích quế chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Huyện khảo sát kỹ đặc thù của từng xã, thị trấn, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung phù hợp với từng sản phẩm, quy hoạch chung của huyện; kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân đầu tư vào sản xuất. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm hữu cơ. Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái và nhân rộng theo các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.