Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh sẽ được tiến hành nhiều hơn
Mở đầu bài phát biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ họp giải quyết công việc phát sinh (trước đây là kỳ họp bất thường) là việc bình thường, cần được tổ chức khi thấy cần thiết để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành của Nhà nước.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong phát biểu tại Kỳ họp.
Với kỳ họp lần này, các vấn đề được đưa ra đều là cấp thiết, liên quan trực tiếp đến các cơ chế, chính sách, quy định do Trung ương ban hành. Cụ thể như Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến ngày 16/3/2022, sau nhiều lần hoàn thiện, bổ sung đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua. Với Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90-QĐ/TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Tiếp đó, ngày 22/2/2022 ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những văn bản này là cơ sở pháp lý để tỉnh ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình. Ngoài ra, một số chính sách khác như quy định giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 phải điều chỉnh theo Thông tư số 02/2022/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 18/2/2022, đó là cơ sở để Lào Cai ban hành Nghị quyết Quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Cả hệ thống chính trị nỗ lực, vượt khó
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, tác động của xung đột quốc tế; nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng thiếu vốn sản xuất; sản phẩm nông nghiệp đầu ra không ổn định do phụ thuộc vào thị trường nước ngoài (chuối, dứa); giá cả mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… tăng cao; sự thiếu hụt nguyên liệu cho hoạt động sản xuất công nghiệp… tác động trực tiếp nhưng tình hình kinh tế – xã hội quý I/2022 của tỉnh được duy trì và đạt nhiều kết quả khả quan.
Đó là tăng trưởng kinh tế đạt 5,02%, sản xuất nông nghiệp được triển khai kịp thời, đảm bảo khung thời vụ; sản xuất công nghiệp duy trì tương đối ổn định; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai tích cực; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng so với cùng kỳ (đạt 2.385 tỷ đồng); du lịch có tín hiệu phục hồi tốt; văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo được chú trọng. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, công tác tiêm phòng được đẩy mạnh triển khai đạt hiệu quả cao. So với tình hình chung của cả nước, tỷ lệ tử vong của tỉnh thấp hơn rất nhiều.
Để đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, ngoài sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Tỉnh ủy, sự đồng hành của HĐND và sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của UBND tỉnh, còn là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tỉnh uỷ đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, qua đó đã định hướng các mục tiêu chiến lược, dài hạn, đồng thời xác định những nhóm giải pháp cụ thể để triển khai ngay các vấn đề, lĩnh vực trọng tâm trong cả nhiệm kỳ. Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định chủ trương, đường lối; đổi mới việc xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng các nghị quyết của Đảng.
HĐND tỉnh cũng đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc như tổ chức, giải quyết linh hoạt các vấn đề phát sinh trong quản lý, điều hành của Nhà nước. Khắc phục tình trạng xuôi chiều trong thực hiện cơ chế chính sách. UBND tỉnh đã rất nỗ lực, cố gắng điều hành với áp lực và năng suất ngày càng cao; Thường trực UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã “ngày, đêm, sớm, tối lo toan” với trách nhiệm cao nhất để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với việc phân cấp mạnh cho các địa phương để khơi thông nguồn lực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, toàn thể các tầng lớp nhân dân, cử tri các dân tộc trong tỉnh đã có sự nỗ lực lớn trong 3 tháng qua.
Thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm
Giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai, thực hiện trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất: Làm tốt công tác dự báo trong những tháng còn lại của năm 2022, trong đó có chiều hướng tác động của tình hình quốc tế, trọng tâm là cuộc chiến Nga – Ukraina tạo ra sự suy giảm về kinh tế toàn cầu, giá cả đầu vào của sản xuất tăng cao (xăng, dầu, phân bón…) dẫn đến nguy cơ về lạm phát. Tác động của các biện pháp phòng, chống dịch trong khu vực dẫn đến nguy cơ xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng. Sự phục hồi kinh tế, nhất là ngành du lịch đã tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương; các biện pháp siết chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản sẽ ảnh hưởng đến việc thu tiền sử dụng đất của tỉnh.
Vì vậy, nhiệm vụ của các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn là dự báo sát tình hình để chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản tăng trưởng trong năm 2022 phù hợp.
Thứ hai: Về phòng, chống Covid-19, dù các ca nhiễm đang giảm mạnh nhưng không thể chủ quan, vẫn phải thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhất là công tác tiêm phòng và sẵn sàng cho kịch bản, thích ứng với biến chủng mới xâm nhập. Đề nghị UBND tỉnh chủ động rà soát lại kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, trợ cấp phòng, chống dịch, kịp thời khắc phục các tồn tại (nếu có); không để nảy sinh tiêu cực, vi phạm trong quá trình thực hiện.
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ Tư. |
Thứ ba: Đối với phát triển các ngành, lĩnh vực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, như đối với ngành du lịch, Đảng bộ tỉnh đã xác định đây là lĩnh vực đột phá, nên các cấp uỷ, chính quyền cần quán triệt sâu rộng để có giải pháp phát triển. Yêu cầu trước mắt là định hướng những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của Sở Du lịch, Sở Văn hoá và Thể thao; mở rộng không gian du lịch để giảm tải cho Khu đô thị quốc gia Sa Pa.
Về sản xuất công nghiệp: triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất thông qua tái cơ cấu một số doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án khai thác, sản xuất công nghiệp, trong đó tập trung cho các dự án liên quan đến quặng apatit, đồng, vàng… Gắn với đó là giải quyết triệt để các vấn đề bảo đảm môi trường, an sinh xã hội đối với các dự án sản xuất công nghiệp.
Về sản xuất nông nghiệp: Tiếp tục bám sát Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh uỷ về nông nghiệp hàng hoá để nông nghiệp tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho nông dân, nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư; triển khai ngay những định hướng, gợi mở của đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chuyến công tác tại Lào Cai vừa qua.
Về kinh tế cửa khẩu: Cần chủ động nắm bắt tình hình tác động đến tỉnh để tháo gỡ khó khăn. Về phía các ngành, đơn vị là sự chủ động trong quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh xây dựng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Kim Thành, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để nâng cao uy tín của Lào Cai, đưa kinh tế cửa khẩu thành mũi nhọn, đột phá của tỉnh gắn với xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương giữa ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc theo đúng định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 11-NQ/TW.
Thứ tư: Về thu ngân sách, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu ngân sách, có giải pháp hữu hiệu chống thất thu ngân sách.
Tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh của các dự án đầu tư nhà ở, khu đô thị, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn; triển khai các biện pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng sốt đất, đầu cơ bất động sản, thổi giá đất để trục lợi.
Thứ năm: Về giải ngân vốn đầu tư công, đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2022, cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công; đặc biệt là giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Kết quả thực hiện công tác giải ngân chính là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân xếp loại cơ quan, người đứng đầu.
Thứ sáu: Về triển khai các quy hoạch, dự án lớn, thời gian vừa qua Lào Cai triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Quy hoạch chung dọc tuyến sông Hồng, các quy hoạch phân khu thuộc Quy hoạch chung đô thị du lịch Y Tý… Cùng với đó là triển khai các dự án, công trình trọng điểm như Cảng hàng không Sa Pa; cầu Bản Vược; cầu Phú Thịnh, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nên rất cần những giải pháp tối ưu hơn, thực chất hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ.
Thứ bảy: Về thực hiện chế độ chính sách, thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội; quan tâm giải quyết các vấn đề gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn; làm tốt an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn, khu vực đồng bào thiểu số. Triển khai các giải pháp phù hợp hỗ trợ người dân, đặc biệt là tại khu vực nông thôn bị tác động bởi những chính sách của Trung ương mới ban hành; quan tâm hơn nữa việc đầu tư nhà ở xã hội, nhà, đất ở cho đối tượng có thu nhập thấp khu vực đô thị.
Thứ tám: Về triển khai đồng bộ các quy định mới của Trung ương, cần bám sát, lấy Nghị quyết số 11 – NQ/TW của Bộ Chính trị mới quán triệt, triển khai làm kim chỉ nam. Ngoài ra là các nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị; nghị quyết về địa chất, khoáng sản; các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã giao một số nhiệm vụ cụ thể về triển khai Nghị quyết HĐND tỉnh, các chương trình, nhiệm vụ của UBND tỉnh trong thời gian tới…