Nhìn lại 10 năm (2010-2020) cho thấy, dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của ngành kinh tế nông nghiệp đạt trên 5% mỗi năm, an ninh lương thực được đảm bảo. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch tích cực, tỷ trọng trồng trọt giảm dần, tỷ trọng chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhanh. Sản xuất nông nghiệp đã hướng mạnh vào các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi, như rau trái vụ, chè, dược liệu, chuối, dứa, quế… bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với cây trồng chủ lực. Chăn nuôi chuyển đổi theo hướng tập trung, an toàn sinh học. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, dần chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích.
Ban Chỉ đạo Phát triến sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh thường xuyên tổ chức đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 10. |
5 năm qua, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng mạnh, từ 6.753 tỷ đồng năm 2016 lên 8.640 tỷ đồng vào năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010); tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân đạt trên 6%/năm.
Để đạt được kết quả này trước hết phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của tỉnh nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Trong 10 năm (2010 – 2020), tỉnh Lào Cai đã tập trung hỗ trợ phát triển, hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung, như dược liệu 3.584 ha, trong đó cây dược liệu lâu năm đạt gần 3.000 ha (Sa nhân tím, chè dây, tam thất, giảo cổ lam…); vùng chè trên 6.000 ha, sản lượng ước đạt gần 38.000 tấn; vùng chuối diện tích 3.300 ha, sản lượng ước đạt 68.500 tấn; vùng dứa diện tích 1.700 ha, sản lượng ước đạt 33.000 tấn. Cùng với đó, những năm trở lại đây, chuỗi giá trị ngành hàng quế phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao đã đưa loại cây trồng này trở thành một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh. Hiện Lào Cai đã xây dựng được vùng quế gần 47.000 ha, khai thác được 55.000 tấn cành, lá và 5.100 tấn vỏ quế mỗi năm. Ngoài các cây trồng hàng hóa chủ lực, Lào Cai cũng là địa phương có thế mạnh với những cây trồng đặc hữu, giàu tiềm năng như cây ăn quả ôn đới, cây rau, cây hoa cắt cành, địa lan và nhiều vùng sản phẩm mang tính bản địa.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, bên cạnh các mô hình hộ chăn nuôi lợn địa phương nhỏ lẻ thì các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn cũng đã được hình thành, đặc biệt là ở các địa phương vùng thấp của tỉnh, góp phần đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và một phần cung ứng ra các địa phương lân cận.
Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng về tổng thể thì trong giai đoạn vừa qua, người nông dân vẫn phải tập trung sản xuất an sinh, nên sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn còn chậm. Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân vẫn chủ yếu tập trung hỗ trợ trực tiếp, với phương thức hỗ trợ “lấy người dân là trung tâm” khiến nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn dàn trải, nhỏ lẻ, manh mún, cào bằng, chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn trước, tỉnh Lào Cai dành nguồn lực đầu tư rất lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, điều đó đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Thế nhưng, thành tựu đạt được trong giai đoạn này là hiệu quả của các chương trình hỗ trợ, chứ không phải từ nội lực. Nguồn lực đầu tư lớn đã góp phần đảm bảo sản xuất nông nghiệp an sinh, các vùng sản xuất chuyên canh manh nha được hình thành. Trong giai đoạn này, chủ thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ là các hộ nông dân, người dân nắm vai trò quyết định mẫu mã, chất lượng, tiêu chuẩn thị trường. Thế nhưng, năng lực tổ chức sản xuất của bà con còn hạn chế, kinh nghiệm, kỹ thuật chưa cao dẫn tới sản phẩm không đủ sức cạnh tranh về giá, mẫu mã, chất lượng khi bước ra thị trường thế giới.
Nếu tiếp tục phát triển theo hướng này, nông nghiệp địa phương sẽ ngày càng khó khăn hơn khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu, ra nhập thị trường nông sản thế giới. Theo lộ trình của các hiệp định đã ký kết, đến năm 2025, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc cắt giảm thuế với các khu vực kinh tế khác. Điều đó đồng nghĩa với việc nông sản trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nông sản của nhiều quốc gia vốn có giá thành rẻ, sản xuất theo tiêu chuẩn cao. Bởi vậy trước đây, khi chưa hội nhập, sản xuất theo hướng hàng hóa là việc có thể làm hoặc không làm, nhưng tới nay thì không thể trì hoãn, bởi nếu vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng an sinh thì nông sản của Lào Cai sẽ không còn cơ hội để hội nhập quốc tế.
Từ thực trạng và những yêu cầu của quy luật phát triển, nhất là việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 10 –NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 rất cần thiết, mang tính tất yếu, khách quan, phù hợp với thực tế và không thể chậm trễ.
Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ra đời được xác định là bước đột phá trong lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương, bởi đã tập trung giải quyết những vấn đề căn cốt của ngành.
Khai thác tiềm năng về thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển các vùng sản xuất. |
Nghị quyết 10 được xây dựng trên quan điểm phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; phù hợp với Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực của cả nước và chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn để nâng cao giá trị, từ đó nâng cao thu nhập, mức sống của người nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá gồm: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.
Do vậy, thay vì đầu tư, phát triển dàn trải như trước, không định vị được sản phẩm và thị trường chủ lực, Nghị quyết 10 đã xác định rõ 6 ngành hàng chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt là độ mở của thị trường để tập trung đầu tư, gồm chè, chuối, dứa, quế, dược liệu và chăn nuôi; đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm tiềm năng, đặc hữu, như cây ăn quả ôn đới, rau trái vụ, cá nước lạnh…
Trong các ngành hàng chủ lực, thay vì tập trung vào các sản phẩm ôn đới, tỉnh đã xác định cần đầu tư phát triển các sản phẩm nhiệt đới. Câu hỏi đặt ra là Lào Cai có khu vực núi cao, nhiệt độ thấp, thuộc tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới, thuận lợi cho phát triển cây ăn quả ôn đới, nuôi cá nước lạnh và đây cũng là lợi thế so với nhiều địa phương trong cả nước. Vậy tại sao Lào Cai không xếp cây ăn quả ôn đới, cá nước lạnh vào ngành hàng chủ lực? Điều này dễ hiểu, bởi trước mắt là lợi thế, tiềm năng, nhưng khi tham gia thị trường thế giới, thì quả lê, quả dâu tây, quả táo, cá hồi, cá tầm của Lào Cai không thể cạnh tranh được với dâu tây Thuỵ Điển, lê Hàn Quốc, táo Úc, cá tầm, cá hồi Trung Quốc, Na Uy… và bởi vậy sẽ trở thành bất lợi. Trong khi đó, sản phẩm của vùng khí hậu nhiệt đới rất đa dạng, đầy tiềm năng và đặc biệt là nhu cầu của các nước trong khu vực khí hậu hàn đới rất lớn. Chính vì vậy, việc xác định rõ 6 ngành hàng chủ lực trong Nghị quyết 10 đã giải quyết được một trong những vấn đề căn cốt của nông nghiệp Lào Cai, đó là tìm được câu trả lời cho câu hỏi: Thị trường cần gì? Đâu là tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp Lào Cai?
Phát triển nông nghiệp hàng hoá hướng tới mục tiêu “nông thôn văn minh, nông nghiệp phát triển”. |
Nghị quyết 10 cũng sẽ giải quyết một vấn đề mà lâu nay nông nghiệp loay hoay, đó là tổ chức sản xuất. Trước đây, mô hình kinh tế hộ là nòng cốt, chiếm đa số, thì nay Nghị quyết 10 xác định các chủ thể tham gia gồm doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Vẫn là nguồn lực đó, nhưng thay vì hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thì giờ đây hỗ trợ thông qua doanh nghiệp, lấy các doanh nghiệp, HTX là trung tâm của “hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp”.
Nghị quyết 10 đã xác định thay đổi tư duy chiến lược, đó là chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế gắn với xây dựng hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp. Trước đây, sản xuất nông nghiệp theo lối đã định hình, đến thời vụ thì trồng cấy, tạo ra sản phẩm và sản lượng, việc tiêu thụ do thị trường quyết định, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, “mất mùa được giá”. Ngược lại trong giai đoạn tới, sản xuất nông nghiệp phải xác định được thời điểm tiêu thụ sản phẩm tốt nhất, thị trường tiêu thụ gồm những đâu để có phương án sản xuất tối ưu, tránh được tình trạng “được mùa mất giá”. Với tư duy như vậy, việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp không còn là chuyện của riêng ngành nông nghiệp, mà cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ là Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triến sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh.
Từ kinh nghiệm đầu tư nguồn lực cho phát triển nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2020, Nghị quyết 10 xác định hướng đi của nông nghiệp hàng hóa là “không dàn hàng ngang”, mà phải “đi sau về trước”. Có thể nói, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại Lào Cai đang “đi sau” so với nhiều địa phương khác, bởi vậy chúng ta phải có tư duy và hướng đi phù hợp để có thể vượt lên ở một số ngành hàng cụ thể.
Để nông nghiệp Lào Cai “đi sau về trước” cần phải xác định được những trở ngại trên đường đi, từ đó định vị được đường đi ngắn nhất. Vậy, sản xuất nông nghiệp hàng hoá của Lào Cai đang gặp những trở ngại gì? Đó là, sản xuất còn manh mún, quy mô hộ là chủ yếu, dẫn đến không thể tạo ra sự đồng bộ và chất lượng cao về sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường “khó tính”. Lao động nông nghiệp trong độ tuổi chiếm tỷ lệ cao, ở khu vực nông thôn chiếm tới 71%, nhưng trình độ, chất lượng còn thấp, khả năng tiếp nhận kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất bị hạn chế. Liên kết trong hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp còn lỏng lẻo, lợi ích chưa được công bằng, minh bạch, thậm chí còn nảy sinh cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm “méo mó” hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp.
Cùng với phát triển các ngành hàng chủ lực, các địa phương đang tập trung phát triển những loại cây trồng cho thu nhập cao. |
Xác định rõ những trở ngại, Lào Cai tập trung giải quyết những vấn đề này như thế nào? Trước hết, trên cơ sở các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã manh nha hình thành, thông qua việc triển khai các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn mà vai trò nòng cốt chính là các doanh nghiệp, HTX.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 230 doanh nghiệp/HTX được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp) với số vốn đăng ký đạt trên 7.500 tỷ đồng. Đã có 50 dự án do các doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, có sử dụng đất thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và chế biến nông – lâm sản, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5.315 tỷ đồng; tổng diện tích đất được sử dụng cho các dự án là trên 17.100 ha. Ngoài ra, còn có 6 dự án đã được chấp thuận nghiên cứu đầu tư với tổng kinh phí dự kiến trên 250 tỷ đồng; 15 dự án đang hoàn thiện hồ sơ xin nghiên cứu đầu tư và đang nghiên cứu đầu tư; 27 dự án khuyến khích thu hút đầu tư theo Quyết định 344/QĐ-UBND và Quyết định 1394/QĐ-UBND trong giai đoạn 2021-2025.
Hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn. |
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp đã khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động, đầu tư vào sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, xây dựng nhà máy chế biến… Từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như rau an toàn, rau trái vụ tại Sa Pa, Bắc Hà; vùng sản xuất dược liệu tại Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Sa Pa; vùng chè tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà; vùng dứa, vùng chuối tại Mường Khương, Bảo Thắng; vùng quế tại Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên…
Nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, nên năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng cao. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được mở rộng với 57 liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với tổ hợp tác, hộ nông dân theo chuỗi sản phẩm như chè, dược liệu, rau, lúa gạo, chuối, dứa….. Quy mô liên kết hiện đạt khoảng 12.000 ha, liên kết với trên 15.000 hộ nông dân, tổng giá trị sản xuất tiêu thụ sản phẩm ước đạt 820 tỷ đồng. Trong đó, liên kết chủ yếu thực hiện thông qua 4 hình thức chính gồm: Liên kết mở rộng sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với các tổ chức đại diện hộ nông dân (HTX, Tổ hợp tác) chiếm khoảng 25%; liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, trang trại chiếm khoảng 40%; liên kết giữa các HTX với nhau và với Tổ hợp tác chiếm khoảng 8%; liên kết giữa HTX và Tổ hợp tác với nông dân chiếm khoảng 27%.
Cây ăn quả ôn đới được xác định là sản phẩm đặc hữu. |
Một trong những mô hình có liên kết theo trục doanh nghiệp – HTX/tổ hợp tác – người dân có thể kể đến là chuỗi liên kết tiêu thụ chè hữu cơ tại xã Bản Liền (Bắc Hà). Tại đây, chè được người dân canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (đã được các tổ chức công nhận). Sản phẩm chè búp tươi được HTX chè Bản Liền thu mua và chế biến ra nhiều loại thành phẩm. Với sự đầu tư, hỗ trợ từ doanh nghiệp, sản phẩm chè hữu cơ của người dân Bản Liền đã thực sự “cất cánh”, được xuất sang châu Âu, châu Mỹ, chính phục được những thị trường tiêu dùng có tiêu chuẩn cao nhất toàn cầu.
Cũng theo đánh giá của ngành nông nghiệp, với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông, lâm sản (đặc biệt chế biến chè, dứa, gỗ, tinh dầu quế) đã tạo đầu ra ổn định cho nông sản, giúp ổn định đời sống cho người nông dân. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 16.000 lao động tại địa phương, nhiều dự án đầu tư đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước như chè hữu cơ Bản Liền, quế hữu cơ Nậm Đét, tinh dầu quế, gạo Séng cù, Lê Tai nung, cá hồi Sa Pa… qua đó đã góp phần xây dựng thương hiệu nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Tuy nhiên, tỉnh cũng xác định cần phải tổ chức quản lý sản xuất tốt hơn, quan tâm nâng cao tính bền vững cho các liên kết, tạo sự kết nối ổn định lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các thành tố trong “hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp”. Các vùng hàng hóa hiện có của tỉnh gần như đều có liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi giá trị này càng bền vững thì vùng hàng hóa càng phát triển mạnh và ngược lại. Một trong những ví dụ có thể kể đến là vùng chè hàng hóa tại Bảo Thắng, Bảo Yên và Mường Khương đều được liên kết khá hiệu quả với các nhà máy trên địa bàn từ hàng chục năm nay. Các nhà máy đã liên kết với người dân trong sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, thu mua chè búp tươi với giá ổn định. Người trồng chè tại các địa phương này có kinh tế phát triển khá, nhiều hộ thoát nghèo nhờ cây chè. Diện tích chè cũng vì thế được mở rộng qua các năm, trở thành cây trồng chủ lực, thế mạnh và giàu tiềm năng phát triển.
Thế nhưng, cũng là cây chè, cũng chung phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất, vùng trồng chè tại Bát Xát dù đã được nhiều dự án đầu tư vẫn chưa thể hình thành vùng chè hàng hóa với quy mô lớn như kỳ vọng của tỉnh. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến vùng chè của địa phương này chưa thể mở rộng là do thiếu tính liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân. Mối liên kết rời rạc khiến người dân không còn niềm tin vào doanh nghiệp, không mặn mà với việc chăm sóc, đầu tư, mở rộng vùng trồng. Tương tự như vậy, ở nhiều địa phương của tỉnh, không ít mô hình liên kết sản xuất một số loại cây trồng như ngô ngọt, khoai tây, cà rốt, tỏi cũng từng “phá sản” chỉ sau một vụ thử nghiệm với lý do liên kết sản xuất thiếu bền vững. Doanh nghiệp thu mua từ chối tiêu thụ nông sản do sản phẩm người dân sản xuất ra chưa đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp mong đợi. Người dân cũng có lý của mình khi giá sản phẩm các doanh nghiệp thu mua còn thấp, thiếu sức cạnh tranh với các thương lái, không đảm bảo lợi nhuận kinh tế…
Muốn sản xuất hàng hoá cần phải phát huy vai trò chủ thể của nông dân. |
Trước thực tế này, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định: Để các mối liên kết bền vững thì doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân phải chia sẻ về lợi ích. Cả người sản xuất và doanh nghiệp cần phải cộng đồng trách nhiệm, hiểu rõ vai trò của mình trong chuỗi liên kết, tuân thủ hợp đồng và có phương án tổ chức sản xuất phù hợp để cùng nhau phát triển.
Một vấn đề khác là khi đã xác định được các vùng hàng hóa chủ lực và có chiến lược phát triển cụ thể thì vấn đề không nằm ở khâu tổ chức sản xuất nữa, mà ở tư duy sản xuất. Những năm qua, ngành nông nghiệp xác định cần từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nếu như sản xuất nông nghiệp chỉ đơn thuần chấm dứt ở khâu tạo ra nông sản cụ thể (lúa, ngô, các loại quả, vỏ quế, gỗ…) thì kinh tế nông nghiệp giống như một hệ sinh thái, bao gồm cả sản xuất và các thành tố xung quanh, như vật tư đầu vào, thị trường tiêu thụ, lưu thông, công nghiệp chế biến… và sản phẩm cuối cùng của hệ sinh thái này là một loại hàng hóa đến tay người tiêu dùng (thức ăn nhanh, nước hoa, hương liệu, nước giải khát…). Trong “hệ sinh thái” này, các doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, là đầu ra của các loại nông sản và là đầu vào của các sản phẩm hàng hóa trước khi tham gia vào các khâu chế biến, lưu thông trên thị trường. Để đáp ứng được chuỗi liên kết này, người dân – chủ thể sản xuất không thể tiếp tục duy trì tư duy manh mún, tiểu nông, mà bắt buộc phải có sự thay đổi, vượt lên chính mình, làm lớn, làm nhiều.
Chăn nuôi được xác định là ngành hàng chủ lực. |
Đích đến của sản xuất nông nghiệp hàng hoá là sản phẩm có mặt tại các thị trường quốc tế, đem lại nguồn thu cao. Tuy nhiên, để tham gia thị trường nông sản toàn cầu, nông sản của tỉnh sẽ phải đạt được những yêu cầu về tiêu chuẩn rất cao. Do vậy, phải chuẩn hóa từ vật tư đầu vào, quy trình sản xuất, công tác quản lý… để sản xuất hàng hóa đồng bộ về mặt tiêu chuẩn, tăng “level” cho các loại hàng hóa, đảm bảo sức cạnh tranh tại các thị trường quốc tế. Thực trạng hiện nay cho thấy, một số vùng hàng hóa của tỉnh có quy mô tập trung nhưng chưa theo tiêu chuẩn nào hoặc mới chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn cho các thị trường “dễ tính”. Giải pháp về khoa học công nghệ chính là “chìa khóa” để gỡ nút thắt về tiêu chuẩn, đưa nông sản của Lào Cai “vượt rào” hội nhập thành công. Tỉnh xác định yếu tố quyết định khả năng ứng dụng khoa học công nghệ chính là chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp. Bởi vậy, công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động khu vực nông thôn sẽ được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, các ngành công nghiệp, khoa học phụ trợ cho nông nghiệp cũng cần phải có bước tiến mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn cao hơn trong tương lai. Ví dụ như công nghệ sản xuất các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng được nhu cầu của các vùng hàng hóa. Đây là vấn đề không phải của riêng ngành nông nghiệp, mà cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học và các ngành chuyên môn khác.
Dù sản xuất nông nghiệp hàng hoá “đi sau” so với một số tỉnh như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với những quyết sách cụ thể, khoa học và có cơ sở thực tiễn, nông nghiệp Lào Cai sẽ sớm có những ngành hàng “về trước”. Đó chính là mục tiêu mà Nghị quyết 10 –NQ/TU của Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến. Đạt được mục tiêu này cũng có nghĩa là việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, với chủ trương “biến Nghị quyết thành tài sản” sẽ thành hiện thực.
Nội dung: Thanh Nam – Thúy Phượng
Trình bày: Ngọc Luyến