Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp giúp thủ tục khám – chữa bệnh được thực hiện nhanh chóng. |
Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Lào Cai là đơn vị y tế tuyến tỉnh đầu tiên trên địa bàn sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám – chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Mang thai con đầu lòng, chị Đặng Thị Loan ở phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) thường đến Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh khám thai theo lịch định kỳ. Thay bằng việc dùng thẻ bảo hiểm y tế, từ cách đây gần 1 tháng, chị sử dụng căn cước công dân để làm các thủ tục khám – chữa bệnh. Chưa đầy 1 phút, thủ tục đăng ký đã hoàn tất. Chị Loan tâm sự: Khi khám – chữa bệnh sử dụng bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân, tôi thấy rất thuận lợi, nhanh chóng. Thẻ giấy dễ mất, dễ quên, rách, còn căn cước công dân tiện dụng hơn.
Hiện nay, người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh có thể sử dụng song song thẻ bảo hiểm giấy và giấy tờ tùy thân có ảnh, phần mềm bảo hiểm xã hội số trên điện thoại di động và thẻ căn cước công dân để làm thủ tục. Mỗi ngày, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi đón tiếp 300 – 400 bệnh nhân, trong đó có khoảng 70% bệnh nhân là đối tượng hưởng bảo hiểm y tế. Chị Nguyễn Thị Thu, cán bộ y tế làm công tác tiếp đón, thực hiện thủ tục cho người bệnh hiểu rõ hơn ai hết những thuận lợi khi sử dụng thẻ căn cước điện tử. Chị Thu cho biết: Khi dùng thẻ bảo hiểm giấy, mỗi người bệnh cần chờ 2 – 3 phút để chúng tôi nhập và khai thác, kiểm tra thông tin; còn sử dụng phần mềm bảo hiểm xã hội số VssID, người bệnh lại phải đăng nhập ứng dụng trên điện thoại, nhiều người sử dụng không thành thạo, quên mật khẩu, đặc biệt là người cao tuổi. Do vậy, việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thuận lợi cho tất cả mọi người.
Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp là bước tiến trong thực hiện cải cách hành chính ở Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh nói riêng cũng như các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh nói chung. Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh cho biết: Hiện vẫn có nhiều người dân chưa biết đến hình thức sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám – chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền để người dân biết tiện ích này.
Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám – chữa bệnh tại cơ sở y tế vẫn đang gặp khó khăn. Một số người bệnh chưa có căn cước công dân gắn chíp, vẫn sử dụng chứng minh nhân dân cũ nên bệnh viện phải làm thủ tục bằng thẻ bảo hiểm y tế cho những trường hợp này. Việc kết nối liên thông giữa cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được toàn diện, vẫn có trường hợp tham gia bảo hiểm y tế đã được cấp căn cước công dân nhưng không thể khám – chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân do chưa được đồng bộ dữ liệu.
Hơn nữa, mã QR trên căn cước công dân gắn chíp có đặc thù, trong khi đó, các bệnh viện đang được trang bị thiết bị quét mã QR hoạt động tốt trên mã QR của thẻ bảo hiểm y tế, nhưng lại không hoạt động trên mã QR của căn cước công dân gắn chíp, do đó bệnh viện phải trang bị thiết bị quét đáp ứng.
Ngày 12/10, Sở Y tế có công văn về việc tăng cường thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các cơ sở y tế có phương án đảm bảo thiết bị quét mã QR trên căn cước công dân để tiếp đón bệnh nhân khám – chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; ưu tiên sử dụng căn cước công dân gắn chíp, trường hợp không thực hiện được mới làm thủ tục tiếp đón bệnh nhân bằng ứng dụng VssID và thẻ bảo hiểm y tế truyền thống.
Trong thời gian tới, việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp sẽ được triển khai đồng bộ tại nhiều đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, hướng tới nền hành chính hiện đại, tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện các thủ tục khám – chữa bệnh bảo hiểm y tế.