Không chỉ được ghi nhận là một trong những địa phương có tiến độ lập, trình hồ sơ thẩm định nhanh (là địa phương thứ 5 cả nước), quy hoạch tỉnh Lào Cai còn được đánh giá cao ở chất lượng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược nhờ sự chuẩn bị công phu và nguồn dữ liệu đồ sộ.
Công tác quy hoạch luôn được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bởi vậy tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực tài chính cũng như con người làm công tác quy hoạch. Trong các cuộc làm việc thường kỳ với các sở, ngành hoặc các chuyến công tác tại địa phương, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn nhấn mạnh cán bộ các cấp, các ngành phải thuộc nghị quyết, thuộc quy hoạch và thuộc luật khi thực thi công vụ bởi không “thuộc bài” thì khó mà đổi mới, sáng tạo.
Với tinh thần đó, ngay khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã sớm giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với các chuyên gia, đơn vị tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch. Không chỉ định hướng phương pháp lập quy hoạch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh còn thường xuyên chỉ đạo, cho ý kiến cụ thể đối với các nội dung quan trọng trong quy hoạch như quan điểm phát triển, phương án tăng trưởng, các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch.
Lộ trình, bước đi để hoàn thành quy hoạch cũng được tỉnh thực hiện tuần tự, bài bản. Cuối năm 2019, tỉnh đã trình và được Thủ tướng Chính phủ thông qua Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh ngày 13/12/2019. Quá trình lập quy hoạch diễn ra từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021. Ngoài ra, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo 18/18 sở, ngành có ý kiến tham gia và giải trình các ý kiến của các bộ, ngành Trung ương; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành phương án phát triển vùng và liên vùng. Sau khi có bản dự thảo hoàn chỉnh, tỉnh đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương (20 bộ, ngành), 13 tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc và tỉnh giáp ranh vùng là Vĩnh Phúc. Nội dung quy hoạch tỉnh nhiều lần được tiếp thu, điều chỉnh dựa trên các kiến nghị của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tăng các ngoại ứng tích cực đối với môi trường.
Sáng 16/3, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã có mặt từ sớm tại hội trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị cho phiên họp Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dù đã chuẩn bị chu đáo trước đó, nhưng không phải là không có chút lo lắng bởi trong bối cảnh thực tiễn vận động, biến chuyển nhanh chóng như hiện nay, bản quy hoạch có điểm chưa kịp bổ sung, điều chỉnh. Trước Hội đồng thẩm định, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường bày tỏ mong muốn được lắng nghe các ý kiến phản biện từ các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia, đồng thời khẳng định tỉnh sẽ tiếp thu với tinh thần cầu thị và bổ sung, hoàn thiện để quy hoạch thực sự mang tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tế.
Bản báo cáo quy hoạch được chuẩn bị chu đáo gồm 5 phần với 773 trang, 79 biểu bảng và hệ thống bản đồ chi tiết được các chuyên gia đánh giá cao. Nội dung báo cáo được các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá đã bám sát quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019 ngày 7/5/2019 của Chính phủ; các số liệu được sử dụng để phân tích, đánh giá báo cáo quy hoạch tương đối đầy đủ, được trích dẫn từ các nguồn chính thống, tin cậy, là cơ sở đề xuất các phương án phát triển trong thời kỳ 2021 – 2030.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải – Xây dựng kiểm tra quy hoạch tại Sa Pa. |
Giáo sư – Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá cao việc Lào Cai định vị được tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý với vai trò kết nối với vùng Tây Nam Trung Quốc bằng hệ thống dữ liệu, luận chứng đầy đủ. Tỉnh cũng đã xác định được quan điểm phát triển là Lào Cai không chỉ phát triển cho mình, mà phải có vai trò với vùng và cả nước, từ nhận thức đúng sẽ có giải pháp tìm ra các điểm nghẽn, tháo nút thắt cho đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực vào các hướng đột phá.
Tiến sỹ Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công thương thì cho rằng, Lào Cai đã có phương pháp luận phù hợp khi đánh giá được thực trạng, bối cảnh lập quy hoạch. Bày tỏ đồng tình với 4 trụ cột tăng trưởng gồm kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông – lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt là định hướng phát triển công nghiệp tập trung, gắn khai thác với chế biến sâu các loại khoáng sản, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao và định hướng phát triển Khu Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai trở thành trung tâm dịch vụ logistics và vận tải của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và của cả nước.
Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường thống nhất cao với quan điểm phát triển của tỉnh là đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; rà soát quy hoạch thủy điện nhỏ, cân nhắc chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ.
Vẫn còn một số điểm cần bổ sung, hoàn thiện về các nội dung liên quan đến quan điểm phát triển; bố trí không gian; kịch bản tăng trưởng; phương hướng phát triển các ngành quan trọng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống… tuy nhiên, với 100% thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước bỏ phiếu nhất trí đã khẳng định chất lượng của bản quy hoạch. Quy hoạch được Hội đồng thẩm định thông qua cũng là bước quan trọng để tỉnh Lào Cai hoàn thiện hồ sơ, tiến hành các quy trình, thủ tục trình phê duyệt quy hoạch, tạo tiền đề tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh Lào Cai: 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Trục động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu; trùng với hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Nội hàm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuỗi đô thị, các trung tâm sản xuất, dịch vụ có vai trò liên kết 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối vùng, liên vùng.
2 cực phát triển gồm: Cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam Trung Quốc; cực phía Nam kết nối với các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ASEAN.
3 vùng phát triển: Vùng thấp gồm các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, nơi tập trung phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp, du lịch. Vùng cao gồm các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương; thị xã Sa Pa và một phần của huyện Bát Xát, đây là khu vực tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, văn hóa tộc người… Vùng trung tâm gồm thành phố Lào Cai, Bảo Thắng và một phần của huyện Bát Xát, nơi tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ – thương mại mà trọng tâm là kinh tế cửa khẩu.
4 trụ cột tăng trưởng gồm kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông – lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo.
5 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa con người Lào Cai.