Hiểu được khát vọng của Lào Cai – mảnh đất biên giới, vùng cao còn nghèo khó, nhưng luôn tràn đầy khát vọng phát triển, cho nên cùng với chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 10/2//2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, người đứng đầu Chính phủ đã dành nhiều thời gian thị sát, làm việc tại Lào Cai để tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” giúp tỉnh khơi nguồn khát vọng vươn lên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai. |
Thực tế, Lào Cai có ý chí, khát vọng, có tiềm năng, lợi thế riêng biệt và luôn mong muốn được đóng góp nhiều hơn, trách nhiệm hơn với sự phát triển chung của vùng Trung du, Miền núi phía Bắc. Chính vì vậy, Lào Cai được Trung ương và Chính phủ tin tưởng giao cho nhiệm vụ rất vinh quang, nhưng vô cùng nặng nề đó là trở thành “Cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc”.
Khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: Ít tỉnh nào có nhiều lợi thế như Lào Cai. Với những tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú, có thể nói Lào Cai hội tụ đủ các điều kiện để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của vùng biên giới phía Bắc, trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Phân tích rõ hơn những tiềm năng, lợi thế của Lào Cai, người đứng đầu Chính phủ đã khái quát nhưng rất cụ thể, sâu sắc: Lào Cai – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, có “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”; diện tích tự nhiên trên 6,3 nghìn km2 (đứng thứ 19/63 cả nước); dân số trên 730 nghìn người (thứ 54/63 cả nước) gồm 25 dân tộc (dân tộc thiểu số chiếm 66,2%) với kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và độc đáo, trong tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa. Lào Cai là trung tâm của các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc; nằm trên 2 hành lang kinh tế lớn; là một trong số ít tỉnh miền núi có mạng lưới giao thông vận tải đa dạng kết nối nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế, đặc biệt từ ngày 1/9/2022, có tuyến cao tốc thông suốt từ Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Móng Cái) và sắp có sân bay Sa Pa. Cùng với đó, tỉnh Lào Cai còn có khu du lịch Sa Pa nổi tiếng, nhiều loại khoáng sản quý (đồng, sắt, apatit), có cửa khẩu quốc tế, đặc biệt là con người Lào Cai đoàn kết, cần cù, chủ động, sáng tạo, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Để khơi nguồn khát vọng, Thủ tướng cho rằng, với những điều kiện như trên, việc phát triển tỉnh Lào Cai phụ thuộc vào sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, tổ chức thực hiện thật tốt; kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa – lịch sử hào hùng, các thành quả qua các thế hệ, coi đây là nguồn lực phát triển, phấn đấu thế hệ sau làm tốt hơn thế hệ trước, năm sau tốt hơn năm trước.
Điều mà Thủ tướng nhấn mạnh với lãnh đạo tỉnh chính là trong bất cứ hoàn cảnh nào, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tỉnh Lào Cai phải phát huy truyền thống, năng lực, điều kiện sẵn có để tích cực, chủ động xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, góp phần thúc đẩy, củng cố, tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh về phát triển kinh tế.
Khơi thông những “điểm nghẽn”, “nút thắt”, người đứng đầu Chính phủ gợi mở: Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Trong quy hoạch phải khai thác tối đa bản sắc văn hóa, thương hiệu Sa Pa, lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển của tỉnh Lào Cai và cả vùng, làm thêm nhiều cây cầu qua sông Hồng một cách hợp lý, đầu tư các tuyến đường kết nối để tạo không gian, động lực phát triển mới. Trong quy hoạch phải chỉ ra và phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hóa giải, hạn chế tối đa các bất cập, “điểm nghẽn”, “nút thắt”, khó khăn, thách thức.
Điều dễ nhận thấy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm đến những vấn đề mà Lào Cai đang mong chờ ý kiến chỉ đạo của Trung ương, đó là khơi thông kết nối liên vùng, trọng tâm là kết nối giao thông; cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng kinh tế đặc thù. Chính vì vậy, ngoài buổi làm việc, Thủ tướng đã dành toàn bộ thời gian đi thị sát các dự án đầu tư trên địa bàn. Thi sát việc đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không Sa Pa, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, tạo bước đột phá lớn về hạ tầng giao thông đối với tỉnh Lào Cai và vùng Trung du, miền núi phía Bắc, góp phần cụ thể hóa triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, trong đó xác định phát triển tỉnh Lào Cai thành cực tăng trưởng, là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Thủ tướng đề nghị xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa theo hướng lưỡng dụng, phục vụ cả dân sự và quân sự; tìm hiểu phương án xây dựng nút giao kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với cảng hàng không này. Đặc biệt, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, một lần nữa, Thủ tướng lưu ý, cần xác định xây dựng sân bay Sa Pa theo hướng phát triển đô thị sân bay.
Thủ tướng Chính phủ kiểm tra thực địa Dự án xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa. |
Kiểm tra tiến độ dự án xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa theo hình thức hợp đồng BOT, Thủ tướng yêu cầu tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần “qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất”; không bám theo các khu dân cư để tạo ra không gian phát triển mới và tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng.
Khảo sát vị trí dự kiến thực hiện thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại khu Kim Thành – Bản Vược, thành phố Lào Cai, nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; tìm hiểu quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, quy hoạch chung xây dựng dọc hai bên sông Hồng trên địa phận Lào Cai, quy hoạch giao thông tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Lào Cai phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ triển khai việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai; tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm hay của các địa phương và quốc tế đã xây dựng thành công khu kinh tế để triển khai thực hiện tại Lào Cai trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa 2 nước, phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên và lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp… Qua đó, khai thác tối đa những lợi thế nhằm xây dựng Lào Cai trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát địa điểm dự kiến xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới tỉnh Lào Cai. |
Mặc dù chỉ đạo nhiều nội dung, nhưng điều căn cốt mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai chính là: Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo không gian mới cho Lào Cai phát triển. Chỉ từng ấy thôi, nhưng đã tiếp thêm quyết tâm chính trị rất lớn cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai vững bước trên chặng đường mới. Điều này thể hiện rõ khi Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đáp từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Tỉnh Lào Cai sẽ đoàn kết hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, trọng tâm hơn nữa, đem lại hiệu quả bằng những sản phẩm cụ thể để biến tiềm năng của tỉnh thành nguồn lực.