“Các anh nên tới Bản Liền, nghe người dân chia sẻ và cảm nhận rõ hơn về vùng đất có sản phẩm vươn nơi trời Âu của chúng tôi. Có thể các anh sẽ bất ngờ, bởi chưa nơi nào đồi chè xấu như ở Bản Liền đâu nhé” – ông Giang nửa đùa nửa thật với chúng tôi trước lúc lên đường tới “thiên đường” chè Shan tuyết Bắc Hà.
Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xã Bản Liền được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển cây chè. Ngay cả những người cao tuổi nhất ở Bản Liền cũng không biết cây chè Shan tuyết có ở mảnh đất này từ bao giờ. Nhiều gốc chè có tuổi đời hàng trăm năm, mọc cheo leo trên sườn núi dốc, hằng năm người dân vẫn đến thu hái, mang về uống tươi, sao khô bán ra thị trường hoặc làm quà biếu khách quý.
Người dân xã Bản Liền thu hái chè.
Khác với tưởng tượng của chúng tôi về vùng chè gần 500 ha ngút tầm mắt, những nương chè ở Bản Liền được trồng rải rác thành từng khoảnh, chỗ thưa, chỗ dày và cũng không thành hàng, thành lối như vùng chè Thanh Bình (Mường Khương) hay Phú Nhuận (Bảo Thắng). Giải thích về chuyện này, anh Lâm A Tướng, thôn Đội 2, xã Bản Liền bảo: Cây chè được trồng rất lâu đời ở Bản Liền, có thời gian người dân không quan tâm đến, nên để cỏ dại mọc um tùm, nhiều cây bị chết. Sau này trồng bổ sung, nên có cây cao cây thấp. Hơn nữa, do địa hình dốc và kỹ thuật canh tác còn hạn chế nên người dân không chú ý trồng theo hàng lối. Do đó, cây chè tại đây phát triển theo tự nhiên, không chăm sóc, cải tạo, nên sản lượng thấp.
Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp không ít khó khăn, nhiều hộ ở Bản Liền gần như bỏ hoang nương chè cho cỏ dại xâm lấn. Xác định chè là cây có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nên năm 2004, huyện Bắc Hà đã thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn. Khi hợp tác xã được thành lập, người dân đã thay đổi nhận thức và quan tâm phát triển cây chè. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay xã đã có hơn 300 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã Chè Bản Liền.
Chúng tôi không khó để tìm thấy xưởng chế biến của Hợp tác xã Chè Bản Liền bởi mùi hương đặc trưng tỏa ra từ những mẻ chè mới ra lò. Cả xưởng có khoảng chục công nhân đang vận hành dây chuyền chế biến, mỗi người một việc, từ thu mua chè tươi, vò, sàng, sấy… đến phân loại chè thành phẩm. Sau khi dẫn chúng tôi tham quan một vòng xưởng sản xuất, ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã Chè Bản Liền pha ấm chè mời khách uống. Trong lúc đợi chè ngấm, ông lấy trong tủ ra những giấy tờ chứng nhận do các tổ chức quốc tế công nhận cho sản phẩm chè Bản Liền, khoe: “Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu (EC Regulation No.834/2007); tiêu chuẩn Canada và Mỹ (Canada Organic Regime Can/CGSB 23.310 and Can/CGSB 32.311) do Tổ chức IACE-Italy và ATC-Thailand chứng nhận; Chứng nhận Fairtrade Certificate – Ban Lien Organic Tea Cooperative (Chè hữu cơ thương mại bình đẳng) là những tấm “visa” đưa sản phẩm chè Bản Liền thâm nhập thị trường châu Âu. Để có những tấm “visa” này là cả sự nỗ lực của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và Hợp tác xã. Chúng tôi phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn ngặt nghèo do các tổ chức quốc tế quy định. Về cơ bản, sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hợp tác xã cấp giấy chứng nhận cho 310 hộ tham gia sản xuất chè, mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và chúng tôi kiểm tra ngẫu nhiên hằng năm, lấy mẫu đất của đồi chè bất kỳ để làm các xét nghiệm, nếu hộ nào vi phạm sẽ tước giấy chứng nhận, không thu mua chè búp tươi”.
Phân loại chè thành phẩm tại Hợp tác xã Chè Bản Liền.
Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm Hợp tác xã Chè Bản Liền thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi, sau đó chế biến thành các sản phẩm: Hồng trà, trà sấy, trà đen, trà trắng, trà bánh… xuất khoảng 100 tấn khô sang 10 nước ở châu Âu, châu Mỹ… “Theo tôi được biết, hiện duy nhất sản phẩm trà bánh của Bản Liền có thể xuất khẩu sang châu Âu để sử dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm” – ông Thận cho biết thêm.
Chia sẻ về lợi ích của việc trồng chè hữu cơ xuất khẩu, ông Giàng Seo De, Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết: Nhờ trồng chè, nhiều hộ trong xã có thu nhập cao, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cá biệt như hộ anh Vàng A Dự, thôn Đội 4, mỗi năm thu hái khoảng 16 tấn chè búp tươi, thu nhập hơn 250 triệu đồng. Ước tính, người dân trong xã thu khoảng 16 tỷ đồng từ bán chè búp tươi.
Dẫn chúng tôi thăm nương chè đang thu hoạch, chị Lâm Thị Oai, thôn Đội 3 cho hay: Do canh tác tự nhiên hoàn toàn nên chè ít búp, nhưng với giá bán trung bình khoảng 14.000 đồng/kg, một năm gia đình tôi thu được gần 20 triệu đồng. Cây chè hợp đất, thời tiết, nên cứ tự nhiên phát triển, một năm chỉ làm cỏ 1 – 2 lần, mỗi tháng hái một buổi là xong. Tôi chỉ mong có thêm nhiều đất để trồng chè, tăng thu nhập cho gia đình.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao chè ít búp mà không bón phân? Chị Oai phân trần: Chè này không được bón phân đâu, nếu sử dụng phân, Hợp tác xã sẽ thu giấy chứng nhận và không thu mua chè búp nữa.
Giống như gia đình chị Oai, gia đình anh Lâm A Tướng hoặc gia đình chị Vàng Thị Hiền (thôn Đội 2) và nhiều hộ khác ở Bản Liền đều mong có thể phát triển diện tích chè hơn nữa.
Theo ông Phạm Quang Thận: Dây chuyền chế biến của Hợp tác xã hiện có công suất tối đa 8 tấn chè búp tươi/ngày. Tuy nhiên, chè nguyên liệu ngày cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 5 tấn. Hợp tác xã mong muốn người dân tiếp tục cải tạo vườn chè, mở rộng diện tích, tăng năng suất để có thêm nguyên liệu, đồng thời tăng thu nhập cho người dân. Hợp tác xã cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng chè đảm bảo tiêu chuẩn.
Về Bản Liền những ngày này, người dân say sưa nói về cây chè Shan tuyết, về sản xuất chè hữu cơ xuất khẩu. Nhiều gia đình đã có thêm nguồn thu nhập từ chính cây trồng thế mạnh của địa phương. Người dân Bản Liền tự hào khi sản phẩm do chính mình làm ra vươn được ra thị trường thế giới.