Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh thuộc các nước: Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và một số tổ chức quốc tế.
Dự Diễn đàn tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Lào Cai (Việt Nam) có Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các tỉnh thuộc Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đã phát biểu chia sẻ về những kết quả của sự hợp tác phát triển kinh tế giữa các quốc gia và đề xuất các giải pháp về xây dựng kinh tế kỹ thuật số, đầu tư hạ tầng, các chính sách về hoạt động thương mại xuyên biên giới…
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng kinh tế số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế, từ đó bảo đảm sự phát triển, thịnh vượng, bền vững và bao trùm hơn. Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số là một yếu tố góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của hành lang kinh tế GMS. Tỉnh Lào Cai hết sức ấn tượng trước những thành công của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin phát triển kinh tế số khi cả thế giới chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua. Hiện, tỉnh Lào Cai đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên các phương diện nhằm phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại Diễn đàn. |
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường chia sẻ và đề xuất một số ý kiến nhằm thúc đẩy, phát huy hiệu quả hội nhập kinh tế, đó là: Tận dụng cơ hội phòng, chống đại dịch Covid-19 để chuyển đổi số với trọng tâm là kinh tế số nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, giảm bất bình đẳng xã hội, giúp phát triển kinh tế cũng như tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ được cung cấp trên nền tảng số ở các khu vực kém phát triển.
Phát huy vai trò của công nghệ số trong thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và sự đi lại của người dân, nhất là lưu chuyển hàng hóa bằng vận tải đa phương thức để bảo đảm cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn kéo dài; với Lào Cai và Vân Nam, thời gian tới hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện các điều kiện để có thể sớm thông quan các mặt hàng trái cây tươi và nông sản khác qua cặp cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Trung Quốc).
Cần có sự hợp tác để tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông, thủy, hải sản có tính thời vụ, đồng thời làm sâu sắc thêm “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc”, phát huy vai trò của Nhóm Công tác hợp tác về thương mại điện tử, tăng cường trao đổi chính sách và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thương mại điện tử qua biên giới, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp về logistics, nghiên cứu thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch quốc gia hai nước về thanh toán điện tử, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để mở rộng các kênh thương mại, đầu tư mới thông qua thương mại điện tử.
Nỗ lực thúc đẩy và thực thi hiệu quả các thoả thuận quốc tế trong hợp tác kinh tế số. Lào Cai đánh giá cao các đề xuất và cách thức thực hiện của tỉnh Vân Nam trong thời gian vừa qua, đồng thời Lào Cai mong muốn hai bên cùng nghiên cứu tìm giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả “luồng ưu tiên” thông quan nhanh các mặt hàng nông, thuỷ sản qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) – Bắc Sơn (Hà Khẩu) đã được hai bên ký kết năm 2018 và Bản ghi nhớ giữa Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam và Bộ Công thương Việt Nam vừa ký ngày 30/10/2022.
Tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực thông quan tại các cửa khẩu, truy xuất nguồn gốc, thương mại biên giới và phát triển thị trường hàng hoá như đã được Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và Bộ Công thương Việt Nam thoả thuận thống nhất và nêu trong Bản ghi nhớ giữa hai bên ký kết vừa qua.
Tỉnh Lào Cai kỳ vọng hợp tác phát triển kinh tế số sẽ được đặt ở vị trí xứng đáng và trở thành trọng tâm trong hợp tác giữa các địa phương nằm trên hành lang kinh tế GMS, thúc đẩy kinh tế số không ngừng phát triển theo hướng cởi mở, bền vững, bao trùm, bình đẳng và cùng có lợi, đóng góp vào sự phát triển của mỗi địa phương và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Diễn đàn Tỉnh trưởng hành lang kinh tế GMS được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. |
Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chia sẻ: Nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của các bên liên quan trong tiểu vùng, nhất là trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid – 19, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường mạnh mẽ công tác thông tin liên lạc, phối hợp cùng nhau vực dậy kinh tế, mở rộng hợp tác, tăng cường trao đổi văn hóa, thúc đẩy phát triển khu vực ở trình độ cao. Hoàn thiện cơ chế hợp tác của Diễn đàn Tỉnh trưởng, hình thành cơ chế liên lạc và hợp tác lâu dài dưới sự hướng dẫn của Chính quyền Trung ương Quốc gia và sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á. Phát huy đầy đủ vai trò của nền tảng của Diễn đàn Tỉnh trưởng hành lang kinh tế GMS và tất các bên, duy trì các chính sách phát triển thường xuyên lĩnh vực hợp tác ưu tiên, kết nối trao đổi và điều phối hợp tác các dự án lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối, củng cố nền tảng cho hội nhập và phát triển kinh tế, tiếp tục tăng cường, kết nối về giao thông, vận tải, năng lượng, thông tin liên lạc và các cơ sở hạ tầng trong khu vực. Tiếp tục thúc đẩy kết nối mềm về quy tắc, quy chế quản lý tiêu chuẩn và kỹ thuật trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Lãnh đạo các tỉnh đã cùng nhau thống nhất thỏa thuận chung của Diễn đàn Tỉnh trưởng hành lang kinh tế GMS năm 2022.