Hệ thống y tế toàn tỉnh được đầu tư phát triển từ tuyến tỉnh đến cơ sở, trong đó hệ thống y tế công lập giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ y tế. Sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh giảm từ 55 đơn vị còn 30 đơn vị, giảm 25 đầu mối. Các bệnh viện tích cực nghiên cứu khoa học, áp dụng các dịch vụ kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chuẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đã thực hiện được trên 1.800 kỹ thuật vượt tuyến. Nhiều kỹ thuật mới như siêu âm tim, mạch máu, đặt máy tạo nhịp, tán sỏi nội soi, mổ khối máu tụ não,… được triển khai, giải quyết cơ bản các bệnh tật tại chỗ, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Hiệu suất sử dụng giường bệnh đạt trên 100%. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương được Bộ Y tế bổ sung tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn của Trung ương. Đây là cơ hội để các bệnh viện tại Lào Cai tiếp tục phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, vượt tuyến, đáp ứng nhu cầu điều trị cho nhân dân ngay tại địa phương.
Tăng cường chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Trong giai đoạn 2009-2010 tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực y tế, dân số là trên 1.171.000 triệu đồng, thì đến giai đoạn 2016-2018, tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực y tế, dân số đạt trên 5.811.000 triệu đồng. Các đơn vị sự nghiệp y tế, đặc biệt là các bệnh viện đang triển khai mạnh mẽ cơ chế tự chủ, phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Tỷ lệ bác sỹ có trình độ sau đại học chiếm 35%; trú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn sâu như thạc sỹ, tiến sỹ, chuyên khoa II. Số lượng cán bộ có trình độ sơ học giảm mạnh. Cán bộ y tế thôn, bản được tăng cường đào tạo, không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2018, toàn tỉnh có 4.800 cán bộ y tế. Nhân viên y tế thôn bản hiện có 1.738 người, đạt 97,8% tổng số thôn bản. Duy trì thường xuyên việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Nhiều năm qua không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 7 loại vacxin hằng năm, đạt trên 97%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm mạnh từ 26% (năm 2010) xuống còn 18,6% (năm 2018). Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được đẩy mạnh và đạt kết quả cao. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được đẩy mạnh. Công tác khám, chữa bệnh, dịch vụ y tế gần dân hơn, số lần khám chữa bệnh bình quân đạt cao, năm 2018 đạt 2-2,5 lần/người dân trong khi năm 2005 chỉ đạt 1,89 lần/người dân.
Nhiều bệnh viện đã thực hiện xã hội hóa theo hình thức liên doanh, liên kết, tạo điều kiện thuận lợi giúp người bệnh được hưởng thụ các kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến, hiện đại. Khuyến khích các loại hình y dược tư nhân đăng ký hoạt động theo pháp luật. Đến tháng 12/2018 toàn tỉnh có 116 cơ sở y tế tư nhân đang hoạt động. Các cơ sở kinh doanh dược, vật tư y tế cũng phát triển với hơn 300 cơ sở kinh doanh, 7 cơ sở bán buôn, gần 100 nhà thuốc và hơn 220 quầy thuốc.
Công tác xây dựng xã đạt bộ tiêu chí quốc gia y tế được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Năm 2011 có 20/164 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (chiếm 2,2%), đến năm 2018 đã có 154/164 xã (đạt 93,9%) đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Từ các kết quả trên cho thấy công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân và của toàn xã hội được nâng lên rõ rệt, trong đó đặc biệt là sự chuyển biến về nhận thức và hành vi tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân tại các thôn, bản, xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn./.