LCĐT – Mặc dù mới được đưa về trồng thử nghiệm nhưng cây cỏ ngọt đã “bén rễ”, trở thành cây trồng triển vọng giúp người dân Mường Hum (Bát Xát) nâng cao thu nhập.
Sinh năm 1991, sau khi học hết THPT, anh Trương Văn An ở thôn Mường Hum, xã Mường Hum chọn thi vào Khoa Du lịch – Trường Cao đẳng Lào Cai với ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch để được đi khắp nơi khám phá những vùng đất mới. Ra trường, gắn bó với nghề vài năm, đi nhiều nơi, anh An lại có ý định trở về quê hương khởi nghiệp vì nhận thấy mảnh đất Mường Hum giàu tiềm năng phát triển.
Nghĩ là làm, năm 2018, anh trở về quê mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, máy móc, vật tư nông nghiệp, đồ điện nước, đồng thời ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Sau đó, anh cùng một số hộ thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum với ý tưởng phát triển mô hình chăn nuôi ngựa, lợn, sản xuất chè hữu cơ…
Đầu năm 2022, sau khi tham gia 1 khóa tập huấn do Liên minh HTX tỉnh tổ chức, anh được giới thiệu và tìm hiểu mô hình trồng cây cỏ ngọt xuất khẩu của Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông – lâm, thủy sản TNĐ (Công ty TNĐ) tại tỉnh Yên Bái. Sau đó, anh liên hệ với Công ty TNĐ, về tham quan mô hình, học hỏi kỹ thuật trồng cỏ ngọt. Tìm hiểu, anh nhận thấy cây cỏ ngọt dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Mường Hum nên bàn với các thành viên HTX đầu tư hơn 200 triệu đồng thuê đất, mua giống, phân bón, làm nhà lưới… thí điểm trồng 1 ha cỏ ngọt. Tháng 8/2022, lứa cây cỏ ngọt đầu tiên được HTX xuống giống trên cánh đồng thôn Piềng Láo, xã Mường Hum.
Anh Trương Văn An, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum cho biết: Cây cỏ ngọt Stevia có tên khoa học là Stevia Rebaudina, thường được gọi là lá đường, lá mật, có độ ngọt gấp 250 lần đường mía. Cây cỏ ngọt có nhiều đặc tính tốt cho sức khỏe vì đó là chất ngọt tự nhiên không chứa calo. Cây cỏ ngọt được sử dụng trong chế biến thực phẩm và dược phẩm mà người bị bệnh tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp dùng. Chất ngọt trong cỏ ổn định trong quá trình sản xuất thức ăn, có độ bền cao trong các môi trường pH, không bị lên men… Trên thế giới, cây cỏ ngọt được sử dụng làm trà thảo dược dành cho những người bị bệnh tiểu đường, béo phì hoặc cao huyết áp. Người ta còn dùng để chế rượu màu, nước hoa quả, các loại bánh kẹo, sản xuất mỹ phẩm… nên nhu cầu về cây cỏ ngọt tương đối lớn. Quan trọng nhất, trồng cây cỏ ngọt không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, lại cho năng suất cao, công nghệ thu hái, sơ chế đơn giản.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum, cây cỏ ngọt thích hợp với chân ruộng cao, đất cát pha, dễ trồng, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp, có thể thu hoạch quanh năm. “Cây cỏ ngọt trồng 1 lần có thể cho thu hoạch trong 3 – 4 năm. Tùy điều kiện thời tiết, cây cỏ ngọt sau khi trồng từ 45 – 60 ngày, cây cao từ 8 – 10 cm có thể thu hoạch lứa đầu và tiếp tục chăm sóc, mỗi năm thu hoạch được 7 lứa”, anh Trương Văn An cho biết thêm.
Từ cuối năm 2022 đến nay, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum thu hoạch 3 lứa cỏ ngọt với sản lượng khoảng 1 tấn sản phẩm khô. Hiện cây cỏ ngọt khô được bán với giá bình quân 130 nghìn đồng/kg. Mặc dù mới trồng, nhưng các thành viên HTX rất phấn khởi và kỳ vọng vào cây trồng tiềm năng này.
Tham gia HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum, gia đình bà Vàng Thị Trâm ở thôn Piềng Láo góp hơn 0,3 ha đất ruộng. Trước đây, trên diện tích này, mỗi năm gia đình bà Trâm thu hoạch được khoảng 1 tấn thóc. Việc trồng lúa gần như không có lợi nhuận vì chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc cao. Nhưng với diện tích này khi chuyển sang trồng cây cỏ ngọt, mỗi năm bà thu được 1,5 tấn cỏ ngọt khô, giá trị gần 200 triệu đồng (trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng). Bà Trâm cho biết: Mặc dù mới tham gia trồng và thu hoạch 3 lứa cỏ ngọt, nhưng hiệu quả kinh tế đã nhìn thấy. Ngoài diện tích tham gia HTX, sắp tới tôi thuê thêm đất trồng cây cỏ ngọt và bán sản phẩm cho HTX.
Với hiệu quả kinh tế bước đầu từ cây cỏ ngọt mang lại, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum đang ươm giống để mở rộng diện tích trồng cỏ ngọt lên 6,5 ha trong năm 2023 và tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo. Theo anh Trương Văn An, thị trường cây cỏ ngọt rất rộng mở, HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu cây cỏ ngọt khô với Công ty TNĐ. Đây là công ty có vùng trồng cỏ ngọt lớn ở tỉnh Yên Bái và tỉnh Hà Giang, hầu hết sản phẩm cỏ ngọt khô được xuất khẩu sang Phần Lan.
Theo ông Sí Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Mường Hum, trồng cỏ ngọt là mô hình triển vọng, bước đầu chứng minh phù hợp và cho hiệu quả kinh tế tương đối cao. Bên cạnh việc khuyến khích HTX mở rộng diện tích, chính quyền sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá mô hình để có định hướng phát triển sản xuất trong thời gian tới.