Các cấp công đoàn quan tâm, tạo điều kiện cho đoàn viên sáng tạo trong sản xuất. |
Tự hào truyền thống
Sau ngày Lào Cai được giải phóng (1/11/1950), kinh tế – xã hội dần được khôi phục, một số cơ quan được thành lập và đi vào hoạt động. Trước đòi hỏi cần có một tổ chức quy tụ phong trào cách mạng của công nhân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết thành lập Công đoàn tỉnh Lào Cai. Ngày 15/11/1951, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Liên hiệp Công đoàn khu Việt Bắc, Đại hội lần thứ Nhất Công đoàn tỉnh Lào Cai được tổ chức. Từ đây, Công đoàn Lào Cai đã có tổ chức thống nhất, tập hợp công nhân lao động đảm đương trọng trách được Đảng giao phó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Ngày 24/10/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 276 công nhận ngày 15/11/1951 là ngày thành lập Công đoàn tỉnh Lào Cai.
Từ khi Công đoàn tỉnh ra đời, vượt lên mọi khó khăn, Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ do Đại hội Công đoàn lần thứ Nhất đề ra, tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế, tham gia tiễu phỉ, kháng chiến chống Pháp và xây dựng chính quyền ở cơ sở, phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn. Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Công đoàn tỉnh Lào Cai đã vận động công nhân lao động tích cực phục hồi và phát triển kinh tế, thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, khôi phục các cơ sở công nghiệp bị tàn phá như Mỏ Apatit, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai…
Trong chuyến thăm Lào Cai ngày 23/9/1958, khi đến thăm Mỏ Apatit và Nhà máy Điện Lào Cai, Bác Hồ căn dặn “… công nhân, viên chức tỉnh Lào Cai phải tích cực thi đua lao động, sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội…”. Khắc ghi lời dạy của Bác, với những phong trào thi đua như “Tay búa, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và Công đoàn Lào Cai đã đóng góp vào cuộc cải cách dân chủ gắn với cải tạo xã hội chủ nghĩa. Phong trào công nhân và hoạt động của Công đoàn tỉnh Lào Cai đã góp phần cổ vũ phong trào thi đua lao động, sản xuất, cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh; có tư duy mới trong công tác vận động, tổ chức các hoạt động của giai cấp công nhân; xác định rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức công đoàn. Đặc biệt, từ sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập (năm 1991), đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh đã ra sức lao động, sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, đưa tỉnh dần thoát khỏi diện tỉnh nghèo nhất cả nước.
Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, ở giai đoạn lịch sử nào, các cấp công đoàn trong tỉnh cũng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, thường xuyên đổi mới và đa dạng hóa phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ đề ra, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Ngày đầu thành lập, Công đoàn Lào Cai mới có 235 đoàn viên; đến năm 1991 có 216 công đoàn cơ sở, 22.676 đoàn viên; đến nay, toàn tỉnh có hơn 70.000 CNVCLĐ, 1.260 công đoàn cơ sở với hơn 53.000 đoàn viên công đoàn. Các cấp công đoàn trong tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp và thích ứng với yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ đề ra cho từng giai đoạn, đã có nhiều tập thể, cá nhân đoàn viên được Đảng, Nhà nước, chính quyền và các cấp công đoàn khen thưởng. Đặc biệt, Liên đoàn Lao động tỉnh vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, Công đoàn tỉnh Lào Cai đã được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà học sinh khó khăn của xã A Lù (Bát Xát). |
Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của CNVCLĐ
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp công đoàn trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ. Các cấp công đoàn chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng; tập hợp trí tuệ của CNVCLĐ tham gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số luật về lao động và công đoàn; phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp về thực hiện chế độ, chính sách, bảo hộ lao động, an toàn lao động cho người lao động; kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm chế độ, chính sách đối với người lao động…
Các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo nhằm giảm bớt những khó khăn cho người lao động. Nổi bật, từ năm 2011 đến nay, Chương trình “Mái ấm công đoàn Lào Cai” đã xét trợ cấp cho hơn 12.300 CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn và các cháu mồ côi, khuyết tật (là con CNVCLĐ) với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng; trợ cấp đột xuất, thăm hàng trăm gia đình đoàn viên công đoàn bị thiệt hại do thiên tai, mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ hơn 5,5 tỷ đồng cho 216 hộ CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm nhà, sửa nhà. Đặc biệt, trong năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm, động viên, chia sẻ với 843 người, tổng số tiền 847 triệu đồng; phát động ủng hộ công nhân, lao động các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng Covid-19 với số tiền hơn 2 tỷ đồng…; duy trì hoạt động của các dự án từ các loại quỹ, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi, người tàn tật với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến nay, thông qua tổ chức “Tháng Công nhân”, Chương trình “Tết sum vầy”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương và hơn 350 lượt doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo…
Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ, “Học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”… 10 năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có gần 100 công trình được gắn biển kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, của đất nước và tổ chức công đoàn. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh với hơn 3.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng, mang lại giá trị làm lợi hơn 50 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh luôn quan tâm phát triển đoàn viên, với phương châm “ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”. Các cấp công đoàn đã giới thiệu 13.560 đoàn viên ưu tú cho các cấp ủy đảng xem xét, bồi dưỡng, đã có 9.077 đoàn viên, CNVCLĐ được kết nạp Đảng.
Phát huy những kết quả đạt được trong 70 năm qua, những năm tới, các cấp công đoàn trong tỉnh xác định tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động trong tình hình mới, tập trung quán triệt, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương, Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động và nghị quyết đại hội công đoàn các cấp đã đề ra.
Nguyễn Hữu Long
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh