Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Lào Cai là tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp với nhiều ngành công nghiệp khác nhau, nổi bật là công nghiệp khai khoáng, thủy điện và hóa chất, phân bón, công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, công nghiệp Lào Cai chỉ thực sự hình thành và có bước phát triển khi có sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai (3/1947) và Ủy ban Hành chính tỉnh Lào Cai (11/1950). Qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều bước thăng trầm, công nghiệp Lào Cai luôn khẳng định vai trò quan trọng của nền kinh tế.
Nhà máy tuyển đồng số 2 thuộc Dự án khai thác, mở rộng và nâng công suất khu mỏ – tuyển đồng Sin Quyền. |
Giai đoạn 1951 – 1975 có nhiều dấu ấn lịch sử đấu tranh bảo vệ Đảng, chính quyền và Nhân dân của tỉnh Lào Cai cũng như của đất nước. Trong thời gian này, ngành công nghiệp Lào Cai đã có bước phát triển vượt bậc, có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Các cơ sở công nghiệp trung ương đóng trên địa bàn, mỏ apatit sau khi được đầu tư khôi phục đã không ngừng mở rộng sản xuất, nâng công suất, hiệu quả khai thác. Nhiều đoàn địa chất được điều lên khảo sát, thăm dò ở Lào Cai, nhiều điểm khoáng sản lần lượt được phát hiện, đánh thức tiềm năng công nghiệp khai khoáng. Nhà máy nhiệt điện Lào Cai được đầu tư xây dựng đã nhanh chóng hòa lưới điện, tạo nguồn năng lượng chính phục vụ phát triển kinh tế và đời sống người dân.
Giai đoạn 1976 – 1990, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước và của địa phương, các cơ sở công nghiệp trên địa bàn Lào Cai vẫn phát huy truyền thống và có sự tăng trưởng cao, nhất là ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến thực phẩm. Sau khi kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, hầu hết các cơ sở công nghiệp bị tàn phá. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, ngành công nghiệp đã khắc phục những khó khăn về nguồn nguyên – nhiên liệu, tiếp tục củng cố và duy trì các hoạt động sản xuất. Đặc biệt trước cơ chế quản lý mới của Nhà nước, ngành công nghiệp đã có sự điều chỉnh kịp thời, giúp các cơ sở công nghiệp trên địa bàn phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, giữ vững an ninh biên giới.
Giai đoạn 1991 – 2008, công nghiệp Lào Cai có bước phát triển cùng với công cuộc đổi mới, kiến thiết xây dựng tỉnh Lào Cai. Những năm đầu tái lập tỉnh, để khôi phục và phát triển công nghiệp, Lào Cai đã tập trung xây dựng các dự án theo định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X là “từng bước lập các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn ở những ngành then chốt như chế biến nông – lâm sản, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng”. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh, ngành công nghiệp đã triển khai hiệu quả các đề án, quy hoạch, nhờ đó, nhiều dự án lớn đã được khởi công xây dựng, như Dự án tổ hợp đồng Sin Quyền, dự án mở rộng Nhà máy tuyển Apatit, Dự án khai thác quặng sắt Quý Xa, xây dựng Nhà máy Gang thép Lào Cai, các nhà máy sản xuất hóa chất và phân bón. Các dự án đầu tư mở rộng các khu, cụm công nghiệp Tằng Loỏng, Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải được triển khai thu hút các nhà đầu tư lớn. Ngành công nghiệp Lào Cai đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh.
Giai đoạn 2008 – 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, song với những chủ trương, quan điểm, định hướng đúng, sát thực tiễn của tỉnh, công nghiệp Lào Cai tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, từng bước khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và của cả nước. Cơ cấu nội ngành phát triển theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác. Các dự án chế biến sâu khoáng sản được ưu tiên đầu tư, nhiều nhà máy đi vào hoạt động phát huy hiệu quả. Tiềm năng thủy điện được khai thác hợp lý.
Ưu tiên chế biến sâu
Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai, công suất 20 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng của TKV vừa được đưa vào hoạt động. Dự án sử dụng công nghệ luyện đồng tiên tiến, đồng bộ, bảo đảm yêu cầu cao về môi trường, nâng công suất luyện đồng từ 10 nghìn tấn lên 30 nghìn tấn đồng/năm thông qua việc xây dựng mới một dây chuyền luyện đồng công suất 20 nghìn tấn đồng ca-tốt, 84.500 tấn a-xít, 1.395 kg vàng và 616 kg bạc thỏi/năm.
Tại huyện vùng cao Mường Khương, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến rau, quả xuất khẩu với tổng vốn đầu tư trên 31,77 tỷ đồng sau khi đi vào sản xuất đã góp phần giải quyết đầu ra bền vững, ổn định các nông sản thế mạnh của huyện Mường Khương và các địa phương lân cận; nâng cao thu nhập cho nông dân và gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, Nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao tại xã Bản Qua sẽ được khởi công. Nguồn nguyên liệu sản xuất chính của nhà máy là đồng tấm kim loại của các nhà máy sản xuất, luyện đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai tinh luyện từ quặng đồng khai thác tại chỗ. Từ đó, góp phần hình thành chuỗi sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Sản xuất phôi thép. |
Tỉnh Lào Cai có hơn 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Toàn tỉnh có khoảng 189 doanh nghiệp công nghiệp, trong đó tập trung nhiều nhất trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản (60 doanh nghiệp, chiếm gần 31,7%). Có thể thấy, công nghiệp chế biến, trong đó chế biến khoáng sản là mũi nhọn luôn đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị lớn.
Các nhà máy chế biến khoáng sản, luyện kim, phân bón và hóa chất hầu hết tập trung tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Giai đoạn 2010 – 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của Khu Công nghiệp Tằng Loỏng tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm. Nhờ chế biến sâu mà giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lào Cai theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hoạt động ổn định, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp đã tăng từ 26,54% lên xấp xỉ 45% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hằng năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 19.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 1.600 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5.800 lao động với thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Đối mặt với những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội đang có, trong giai đoạn tới, tỉnh Lào Cai đã đưa ra những định hướng phát triển công nghiệp, đặc biệt tập trung cho công nghiệp chủ đạo nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Trong đó, đẩy mạnh khai thác và chế biến khoáng sản với công nghệ tiên tiến theo hướng tiết kiệm, hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Chú trọng phát triển công nghiệp luyện kim, đưa các khoáng sản khai thác vào chế biến sâu, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế bán nguyên liệu thô. Tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án sản xuất kim loại, cơ khí, điện tử…
Khai thác hiệu quả công suất của các nhà máy sản xuất hiện có nhằm khai thác thế mạnh của tỉnh về nguyên liệu apatit, serpentin, đá vôi, đolomit… Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.