Tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg
Mở đầu bài tham luận, đại biểu Hà Đức Minh khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, ưu đãi tín dụng… đã thúc đẩy rõ rệt tình hình phát triển kinh tế – xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể là 3 chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021 – 2025 đã trực tiếp giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn, ở các địa phương số xã về đích nông thôn mới tăng dần.
Quang cảnh phiên họp tại Hội trường sáng 27/10. |
Cách đây hơn 1 năm, ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, một số xã có điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn nay đã chuyển thành địa bàn xã có điều kiện kinh tế – xã hội bước đầu phát triển theo danh sách hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Điều này đã dẫn đến nguồn lực của Nhà nước để đầu tư cho các xã về đích nông thôn mới bị cắt giảm, ảnh hưởng đến chương trình thoát nghèo bền vững của địa phương.
Thực tế là sau khi có Quyết định số 861/QĐ-TTg, nhiều hộ dân tại các xã hoàn thành nông thôn mới rơi vào hoàn cảnh khó khăn do chính sách hỗ trợ không còn như chính sách về việc cấp thẻ bảo hiểm y tế; chính sách phát triển giáo dục; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, nhất là vùng nông thôn, vùng cao, miền núi, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội của các tầng lớp Nhân dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Sớm thu hồi quyết định xã nông thôn mới khi không còn đủ điều kiện duy trì đạt chuẩn
Theo đại biểu Hà Đức Minh, căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, nhiều địa phương được công nhận xã hoàn thành nông thôn mới (trước giai đoạn 2021 – 2025) đến nay không còn duy trì được các tiêu chí.
Đại biểu Hà Đức Minh phát biểu sáng 27/10. |
Lý do là thời điểm xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có một số tiêu chí đạt ở mức tối thiểu, cùng với đó là sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; chỉ tiêu của tiêu chí tăng cao hơn so với giai đoạn trước và một số chỉ tiêu của giai đoạn 2022 – 2025 thêm mới. Cụ thể là giai đoạn 2016 – 2020 có 19 tiêu chí, 49 chỉ tiêu; đến giai đoạn 2022 – 2025 vẫn là 19 tiêu chí nhưng chỉ tiêu là 57, tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Chính phủ, tại khoản 1, Điều 21 quy định về thời điểm thực hiện xét, thu hồi quyết định công nhận: “Các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước giai đoạn 2021 – 2025 để xảy ra các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, Điều 4 Chương I Quy định này: Việc xét, thu hồi quyết định công nhận được thực hiện từ sau khi đủ 24 tháng kể từ thời điểm Quy định này có hiệu lực thi hành”. Như vậy, các xã hoàn thành chương trình nông thôn mới trước giai đoạn 2021 – 2025 đến nay không còn đủ điều kiện duy trì đạt chuẩn nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách của Nhà nước trong thời gian chờ xét, thu hồi quyết định công nhận (vì Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 2/8/2022).
Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Quốc hội xem xét, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành để đảm bảo an sinh xã hội và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang đang thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn các xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, đặc biệt là các xã có tỷ lệ cao đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hết giai đoạn 2021 – 2025.
Để đảm bảo tính kịp thời trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh thời điểm thực hiện xét, thu hồi quyết định công nhận đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trước giai đoạn 2021 – 2025 nhưng thời điểm hiện nay không còn duy trì được xã hoàn thành nông thôn mới theo khoản 4, Điều 4 Chương I Quy định kèm theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Chính phủ. Cụ thể là cho phép thu hồi quyết định công nhận xã nông thôn mới không còn đạt chuẩn, thời điểm thực hiện từ năm 2022.
Có cơ chế đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu Hà Đức Minh dẫn luận, ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, các địa phương đã xác định nhiệm vụ thực hiện đạt và vượt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 – 2025 trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp phải những vấn đề như: Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện và tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương cho các địa phương đối với các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, tập trung chủ yếu vào thời điểm “nước rút” các tháng cuối năm 2022.
Mặt khác, từ nay đến cuối năm cả nước vẫn còn khoảng 280.000 tỷ đồng (ngoài chương trình mục tiêu quốc gia) cần phải phấn đấu giải ngân. Đây là khối lượng công việc rất lớn, tạo áp lực cho các địa phương trong công tác giải ngân, khó có thể hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Theo đại biểu Hà Đức Minh, với các địa phương, đặc biệt là ở những huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do có vị trí địa lý và địa hình, thổ nhưỡng không thuận lợi, thời tiết diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, cùng với đó là trình tự xây dựng cơ bản nhiều bước, một số công trình vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, năng lực thực thi còn hạn chế, nhiều dự án mới nên đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài. Đây cũng được đánh giá là những khó khăn không nhỏ trong việc thực hiện giải ngân.
Từ tình hình trên, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Quốc hội nghiên cứu cho phép thực hiện cơ chế riêng, đặc thù về bố trí vốn sự nghiệp, thủ tục đầu tư, giải ngân, chuyển nguồn… đối với các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng không thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Đầu tư công; do đây là chương trình có ý nghĩa chính trị to lớn cũng như có rất nhiều yếu tố “đặc thù” về số lượng cơ quan chủ quản, yêu cầu về lồng ghép nguồn vốn, đối tượng và địa bàn triển khai.