Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 là rất cấp thiết bởi hoạt động đấu thầu, mua sắm công thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 15/11 của Kỳ họp thứ 4 tại hội trường. |
Góp ý trực tiếp vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Sùng A Lềnh nêu rõ: Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) đang có điểm vênh như tại Điều 1 của dự thảo Luật quy định: “Luật này quy định quản lý nhà nước về đấu thầu và hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (bao gồm nội dung Khoản 1 và Khoản 2), nhưng đến Khoản 3 lại quy định “Luật này không điều chỉnh các hoạt động mua sắm sau đây…”.
Đại biểu bảy tỏ tán thành việc quy định rõ hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, hoạt động nào không thuộc phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện. Tuy nhiên, cách quy định như trên chưa thực sự hợp lý và cũng chưa rõ những hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh thì chịu sự điều chỉnh của pháp luật nào?
Tương tự, tại Điều 2, dự thảo Luật Đấu thầu quy định: “Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Điều 1 của Luật này”. Như vậy là chưa bao quát được trường hợp các tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, nhưng chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu (quy định tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật). Từ những căn cứ như trên, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý nội dung này.
Đối với việc áp dụng pháp luật (Điều 3) và xử lý vi phạm trong đấu thầu Điều 88 và Điều 89, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 5 về “Lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước…” vì hoạt động này không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật. Theo đại biểu, nội dung này nên quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (đang được nghiên cứu sửa đổi) thì hợp lý hơn.
Sáng 15/11, tại hội trường, đại biểu Sùng A Lềnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). |
Đối với Khoản 7, đoạn đầu tiên có quy định: “Việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”, nhưng đến đoạn tiếp theo cũng tại Khoản này lại quy định: “Thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật này”. Đại biểu đề nghị xem lại quy định, vì nếu áp dụng theo điều ước quốc tế thì phải áp dụng toàn bộ kể cả nội dung, trình tự, thủ tục.
Đối với Điều 10 về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị xem xét quy định đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu là “hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ”, quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 10. Theo đại biểu, đối tượng được hưởng ưu đãi ở đây cần diễn đạt đầy đủ là nhà thầu cung cấp sản phẩm hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị xem xét lại hình thức ưu đãi trong đấu thầu là “Gói thầu xây lắp có giá trị gói thầu không quá 5 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham dự thầu”, quy định tại Điểm đ, Khoản 2, vì gói thầu này đã chỉ rõ đối tượng được tham gia chỉ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; trường hợp không có doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham dự thầu thì việc lựa chọn nhà thầu sẽ như thế nào?
Tham gia vào Điều 39 về đấu thầu trước, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, đây là quy định mới của dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, các công việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án quy định tại Khoản 2 là khá rộng, đề nghị rà soát kỹ các trường hợp được đấu thầu trước theo hướng chỉ là những gói thầu cần bảo đảm tính liên tục, kế thừa hoặc một số nội dung liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng.
Đồi với Điều 88 và Điều 89 về xử lý vi phạm trong đấu thầu, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, cần cân nhắc việc bổ sung Điều 89 quy định về các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu. Lý do là các hình thức xử lý vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 89 đang trùng lặp với nội dung tại Khoản 1, Điều 88 và tự thân quy định các hình thức xử lý tại Khoản 1, Điều 89 cũng có sự trùng lặp
Các đại biểu dự Kỳ họp sáng 15/11. |
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng chỉ rõ: “Về bồi thường thiệt hại quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 89 không phải là hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức, viên chức; không phải là hình thức xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động và cũng không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà đây là một trong các phương thức bảo vệ quyền dân sự của chủ thể bị xâm hại”.
Chiều 15/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành phiên bế mạc sau 21 ngày làm việc.