Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh bài học về đại đoàn kết toàn dân. (Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các đại biểu phụ nữ các dân tộc Lào Cai tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ II). |
Đoàn kết khi Tổ quốc gian nguy
Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, Bác sớm nhận ra những giá trị to lớn của tinh thần đại đoàn kết, lấy đó là nền tảng lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Nhân dân, rèn luyện Đảng. Cuối năm 1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng ta hiện nay) được thành lập, Hội phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam) ra đời. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, ngay sau khi ra đời và trong suốt quá trình lịch sử sau này, Hội phản đế đồng minh sau đó với nhiều tên gọi khác nhau đã làm tốt sứ mệnh tập hợp, đoàn kết toàn dân, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tại tỉnh Lào Cai, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 18/10/1945, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã gửi thư cho đồng bào Lào Cai, trong đó có đoạn: “Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc”. Về sau, ngày 18/10 hằng năm được Tỉnh ủy xác định là ngày truyền thống MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai.
Dù mang tên gọi Hội phản đế đồng minh, hay Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận phản đế, Mặt trận Việt Minh… cũng đều là tổ chức tập hợp lực lượng làm nên thành công của cuộc cách mạng thần kỳ. Cách mạng thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua các phong trào thi đua, Mặt trận Việt Minh Lào Cai đã vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia kháng chiến, làm cho thực dân Pháp và tay sai không còn chỗ dựa, tạo điều kiện cho quân ta mở các chiến dịch tiêu diệt địch. Mặt trận Việt Minh còn vận động Nhân dân tăng gia, sản xuất đáp ứng các nhu cầu đời sống, từ đó có thêm điều kiện để góp sức người, sức của, mang lại thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc ta.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược, bè lũ tay sai và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Lào Cai tiếp tục phát huy nhiệm vụ củng cố khối đại đoàn kết, tập hợp lực lượng, đập tan âm mưu “thổ phỉ hóa toàn dân” của thực dân và đế quốc; tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tăng gia, sản xuất, khôi phục kinh tế, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, dồn sức người, góp của cải, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Tiếp đó, quân và đồng bào các dân tộc Lào Cai lại đoàn kết một lòng, dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, củng cố đời sống Nhân dân.
Đoàn kết trong thời đại mới
Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai tiếp tục củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh các phong trào thi đua. Qua đó khơi dậy tiềm năng, sức mạnh nội sinh của Nhân dân, phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, củng cố các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Chung tay phòng, chống Covid-19”… Trong xây dựng khối đại đoàn kết, tỉnh Lào Cai có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, điển hình như việc thực hiện phương châm lấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh.
Tỉnh Lào Cai đang cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh những thuận lợi là không ít thử thách nội tại như phân hóa giàu – nghèo, những tác động từ bên ngoài như thế lực thù địch không ngừng phá hoại thành quả cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đặt ra những yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Nhưng vượt lên tất cả, sự nghiệp đại đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị, đồng bào các dân tộc Lào Cai vẫn được duy trì, củng cố ngày càng vững chắc.
Theo đồng chí Giàng Seo Vần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thì bài học kinh nghiệm của Lào Cai trong vun đắp khối đại đoàn kết là việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, truyền thống anh hùng, ý chí tự lực, tự cường, đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhờ đó mà mỗi người dân Lào Cai đều ý thức, khát khao góp phần xây dựng quê hương trở thành trung tâm, là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Tỉnh Lào Cai cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân thông qua phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cũng theo đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Giàng Seo Vần, để củng cố khối đại đoàn kết còn là sự tập trung củng cố hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh toàn diện, nhất là trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, lao động, sáng tạo.
Năm 1961, trong buổi trò chuyện tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ II về giá trị của sự nghiệp đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Thực hiện lời Bác căn dặn, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lào Cai tiếp tục kế thừa, phát huy tinh thần đại đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra.
Đại đoàn kết – sức mạnh nội sinh để Lào Cai “cất cánh” (baolaocai.vn)