Trên đường đưa tôi về tham quan mô hình homestay kết hợp làm đồ mộc của đảng viên Sần Seo Lềnh ở thôn Pả Chư Tỷ, anh Thào Xuân Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lùng Phình bộc bạch: Lùng Phình có 690 hộ, chủ yếu là dân tộc Mông và đồng bào Phù Lá, hơn 90% dân số thu nhập từ nông – lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Theo chuẩn nghèo mới thì xã có 68% hộ thuộc diện nghèo; theo chuẩn nghèo cũ cũng còn hơn 10%. Nguyên nhân tỷ lệ nghèo cao như vậy, ngoài việc ít lợi thế từ tự nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh, còn bởi nhiều người chưa biết cách làm, thậm chí trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên.
Mô hình kinh tế tổng hợp của đảng viên Sần Seo Lềnh thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. |
“Những năm gần đây, phong trào đi làm xa tác động đến người dân trong xã, nhất là đối với lao động trẻ. Chúng tôi hy vọng họ đi ra ngoài học hỏi, thay đổi tư duy cách làm, mang lại luồng gió mới cho phong trào lao động, sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Cấp ủy đảng, chính quyền xã cũng lãnh đạo, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khích lệ tinh thần tiên phong của các đảng viên như mô hình kinh tế của đồng chí Sần Seo Lềnh là một ví dụ để người dân thấy và làm theo”, anh Thào Xuân Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy nói.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn 2 tầng có diện tích mặt sàn rộng 400 m2, ốp gỗ, có thể đáp ứng nhu cầu nghỉ của khoảng 50 khách, đảng viên trẻ Sần Seo Lềnh cho biết, dịch vụ homestay được gia đình đưa vào khai thác từ đầu năm 2022, nhưng do dịch Covid-19 nên chưa đón được nhiều khách. Tính đến nay, gia đình mới đón tầm 10 đoàn khách, lúc đông nhất khoảng 30 người. Tuy vậy, anh hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn.
Ngoài kinh doanh dịch vụ homestay, đảng viên Sần Seo Lềnh còn có xưởng đồ mộc hoạt động hàng chục năm qua, đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập bình quân vài triệu đồng, người cao nhất là 9 triệu đồng/tháng. Anh Lềnh khoe: Xưởng mộc của tôi làm không hết việc, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của khách ở khắp nơi như Sín Mần (Hà Giang), các huyện trong tỉnh, Hà Nội, Hòa Bình…
Trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ xã Lùng Phình xác định vẫn tập trung phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Đến nay, xã đã có 195 ha cây ăn quả, phần lớn là mận Tả Van, mận Tam hoa ở tất cả 6 thôn; có 3,5 ha cây dược liệu tại thôn Tả Chải, thôn Pả Chư Tỷ; 3 ha rau chuyên canh, chủ yếu là trồng cải kale ở các thôn: Lùng Phình, Tà Chải, Pả Chư Tỷ và mô hình trồng hoa, dâu tây tại thôn Tả Chải. Riêng trong năm 2021, người dân đã chuyển 5 ha đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Đặc biệt, trên địa bàn xã đã xuất hiện một số mô hình dịch vụ homestay, hứa hẹn mở ra hướng mới cho phát triển kinh tế của địa phương.
Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, công tác xây dựng Đảng cũng được Đảng ủy xã quan tâm, là nhân tố quyết định trong việc thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đảng bộ xã hiện có 12 chi bộ, 203 đảng viên, trong đó có 4 chi bộ trường học, 1 chi bộ y tế, 1 chi bộ công an xã và 6 chi bộ thôn. Những năm qua, Đảng ủy luôn lãnh đạo tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; chỉ đạo đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sinh hoạt chi bộ định kỳ, có đánh giá kết quả phấn đấu của từng tập thể, cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ và rèn luyện.
Ngay từ đầu năm, Đảng ủy xây dựng kế hoạch dự và chỉ đạo sinh hoạt chi bộ của các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ và phân công phụ trách từng thôn, từng chi bộ để theo dõi sát sao, chỉ đạo kịp thời đối với những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; triển khai kịp thời các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy và Huyện ủy, nhất là việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng ủy xã đã rà soát, đánh giá thực chất kết quả thực hiện công tác chuyên môn của cán bộ, công chức, phát hiện những vướng mắc, khó khăn trong thi hành công vụ, những bất cập, hạn chế để kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, gương mẫu đi đầu trong nêu gương, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chuẩn mực của cán bộ, công chức…
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn và những mô hình mới, sự tiên phong đi đầu của đội ngũ đảng viên là những tín hiệu vui cho sự đổi thay của xã Lùng Phình trong những năm tới.