Điều tra viên thu thập thông tin doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Với cách thức nhờ chính doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn chỉ ra những điểm đạt, chưa đạt của chính quyền qua từng chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số DDCI (được bổ sung, hoàn thiện dần qua các năm), DDCI đã trở thành thước đo quan trọng, để mỗi sở, ngành, địa phương nhìn lại chất lượng điều hành của mình. Các sở, ngành, địa phương phải lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, có trách nhiệm giải trình rõ hơn, cụ thể hơn với tỉnh trong những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá và nhìn lại chất lượng điều hành của mình, tạo nên một nền hành chính phục vụ, hành động.
Theo kết quả khảo sát DDCI 2019, phần lớn các doanh nghiệp Lào Cai đã có sự hài lòng về năng lực điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng tương đối thận trọng trong thời gian tới khi đưa ra quyết định mở rộng hoặc tăng quy mô đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Điều này cho thấy các sở, ban, ngành và địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo đột phá hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần giúp tỉnh nâng cao chỉ số PCI năm 2020.
Báo cáo bổ sung, hoàn thiện phương pháp luận Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ban, ngành tỉnh Lào Cai (DDCI Lào Cai) vì sự phát triển của doanh nghiệp và doanh nhân nữ giai đoạn 2019-2021 vừa được UBND tỉnh phê duyệt đã làm rõ hơn về mặt phương pháp, hệ thống các chỉ số thành phần, chỉ tiêu đánh giá cũng như tổ chức thực hiện đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả của DDCI Lào Cai 2020.
Nội dung cơ bản của chỉ số DDCI Lào Cai 2020, gồm: Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp huyện đối với 9 huyện, thị xã, thành phố qua 14 chỉ số, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; Hiệu quả trong cấp phép và thanh tra, kiểm tra; Hiệu quả thủ tục thuế; Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện; Hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; Minh bạch thông tin và đối xử công bằng; Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính và bộ phận một cửa; Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; Chi phí không chính thức; Hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn; Ứng dụng công nghệ thông tin (Chính phủ điện tử); Chi phí thời gian, thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công; Phát triển bền vững và bao trùm.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh đối với 21 cơ quan cấp tỉnh gồm: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải – Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Thuế, Công an, Bảo hiểm xã hội, Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra, Ban Quản lý khu kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, qua 9 chỉ số: Hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch; Chất lượng dịch vụ công; Minh bạch thông tin đối xử công bằng; Tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo; Chi phí không chính thức; Hỗ trợ kinh doanh và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ thông tin (Chính phủ điện tử); Chi phí thời gian, thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công; Phát triển bền vững và bao trùm.
Vẫn là tập hợp các đánh giá về cảm nhận của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cụ thể là các hộ kinh doanh, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp về công tác điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, các các sở, ban, ngành và lãnh đạo địa phương một cách hệ thống tuy nhiên có thể thấy DDCI Lào Cai 2020 có nhiều điểm khác biệt so với năm 2019. Cụ thể, DDCI 2020 mở rộng đánh giá thêm 6 sở, ban, ngành gồm: Công an tỉnh; Sở tài chính; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai; Cục Quản lý thị trường tỉnh; Ban Quản lý khu kinh tế; Thanh tra tỉnh.
Về nội dung đánh giá, DDCI 2020 cấp huyện mở rộng đánh giá thêm một chỉ số thành phần cốt lõi “Hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn” và một chỉ số thành phần mở rộng “Chi phí và thời gian thực hiện TTHC và dịch vụ công”. Ngoài ra, DDCI cấp huyện 2020 bổ sung thêm hai chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh dưới ảnh hưởng của dịch Covid 2019, hai chỉ tiêu về bình đẳng giới trong môi trường kinh doanh và một chỉ tiêu về an ninh, an toàn trật tự. DDCI 2020 sở, ban, ngành mở rộng đánh giá thêm một chỉ số thành phần cốt lõi “Hỗ trợ kinh doanh và doanh nghiệp” và một chỉ số thành phần mở rộng “Chi phí và thời gian thực hiện TTHC và dịch vụ công”. DDCI sở, ban, ngành 2020 cũng bổ sung thêm hai chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh dưới ảnh hưởng của dịch Covid 2019, hai chỉ tiêu về bình đẳng giới trong môi trường kinh doanh, một số chỉ tiêu về an ninh, an toàn trật tự và một chỉ tiêu về hiệu quả trong phối hợp với Văn phòng Ủy ban trong việc giải quyết các TTHC cho doanh nghiệp.
Với những điểm mới đó, DDCI 2020 hứa hẹn sẽ tạo sự cạnh tranh trong công tác chỉ đạo, chất lượng điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở khảo sát, điều tra mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đây cũng được xác định là kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến với chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành; nắm bắt, thu thập các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại địa phương, để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hiệu quả, kịp thời.
http://baolaocai.vn/bai-viet/9209/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-dieu-hanh-kinh-te