Năm 2011, toàn tỉnh có 700 trường hợp phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương và đến hết tháng 6/2020 còn 16 trường hợp. Một số địa bàn trong những năm gần đây không còn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương như thành phố Lào Cai, huyện Bảo Yên và huyện Văn Bàn. Nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy vai trò làm chủ kinh tế để giữ chân phụ nữ ở lại quê hương được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất.
Dự án trồng cây gai xanh mang lại hiệu quả kinh tế cho phụ nữ huyện Văn Bàn.
Từ tháng 1/2020, huyện Văn Bàn đã chấm dứt được tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Trong những năm qua, huyện đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ, trong đó Dự án trồng cây gai xanh do phụ nữ làm chủ đầu tư và thực hiện tại 10 xã giai đoạn 2018 – 2021 đã tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ. Sản phẩm của dự án đã được xuất khẩu sang thị trường 5 nước châu Á và Trung Đông với giá trị cao.
Chị Lương Thị Điến, Tổ trưởng tổ gai xanh xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn) cho biết: So với trồng ngô, thu nhập từ trồng cây gai xanh cao gấp 4 – 5 lần. Nhiều chị em đi làm xa, khi thấy hiệu quả kinh tế cây gai xanh mang lại đã quay về địa phương tham gia dự án để vừa phát triển kinh tế trên chính đồng đất quê hương, vừa có thời gian chăm sóc gia đình.
Nhiều dự án khác cũng được triển khai, hướng đến đối tượng là phụ nữ nhằm hỗ trợ họ phát triển kinh tế, như Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La” do Chính phủ Australia tài trợ. Sau 2 năm triển khai dự án, Lào Cai có hơn 20 nghìn phụ nữ được đào tạo về kinh doanh và kỹ thuật, tham gia hợp tác xã hoặc mạng lưới kinh doanh, được cung cấp vật tư cho sản xuất, được tập huấn các kỹ năng lãnh đạo tổ, nhóm; 335 phụ nữ có công việc làm toàn thời gian và 173 phụ nữ có công việc làm bán thời gian.
Nhằm ngăn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, nhiều mô hình, thôn, bản, dòng họ phòng chống, ngăn chặn hiệu quả phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương cũng được xây dựng và nhân rộng. Hội phụ nữ các cấp với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ đã xây dựng các mô hình như “Hội Phụ nữ tự quản”, “Thôn, bản không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”, ký kết chương trình phối hợp “Vận động phụ nữ biên giới”, mô hình “Thôn, bản bình yên, gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “Không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”… Huyện Bảo Thắng đã xây dựng được 127 mô hình, trong đó có 120 mô hình thôn, bản và 7 mô hình dòng họ về phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Huyện Mường Khương thành lập và duy trì 15 câu lạc bộ phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương; lựa chon 103 cộng tác viên, tình nguyện viên am hiểu cộng đồng, nhiệt tình, có kinh nghiệm tham gia công tác truyền thông tại địa phương. Huyện Bát Xát cũng phổ biến các mô hình “Dòng họ tự quản”, “Liên gia tự quản”, “Thôn, bản bình yên, gia đình hạnh phúc” và thành lập 15 câu lạc bộ phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương…
Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức vận động và thực hiện ký cam kết giữa các thôn, bản với các dòng họ; từng dòng họ với các gia đình, giao ước thi đua xây dựng gia đình, địa bàn dân cư không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, nhất là các xã, thị trấn trọng điểm để nâng cao nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động tuyên truyền, vận động về công tác phòng, chống, ngăn chặn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương chủ yếu được tổ chức lồng ghép với các hoạt động chuyên môn nên hiệu quả chưa cao, nhiều khi còn mang tính hình thức. Công tác giáo dục, phổ biến pháp luật chưa thường xuyên. Trong một số gia đình, tình trạng bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân dẫn tới phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương.
Để công tác phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương trong thời gian tới được hiệu quả hơn, bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Chúng ta cần phát huy vai trò tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Công tác này cần tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, lồng gắn với triển khai thực hiện các chương trình, đề án, nghị quyết ở các địa phương. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương gắn với đẩy mạnh giảm nghèo, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, các địa bàn trọng điểm về phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp phụ nữ hiểu rõ hậu quả, cạm bẫy khi bỏ đi khỏi gia đình, địa phương và đẩy mạnh xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa để tạo môi trường lành mạnh cho phụ nữ gắn bó với gia đình, quê hương.