Đền Đồng Ân tọa lạc ngay bên tuyến đường kết nối ga Phố Mới – ga Bảo Hà – huyện Văn Yên (Yên Bái). |
Tương truyền, vào năm giặc phương Bắc tràn xuống, vị tướng tài nhà Trần là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được cử lên chặn giặc và bị thương, rồi dưỡng thương ở vùng đất rộng lớn ven sông Hồng. Về sau, người dân chỉ thấy còn lại bộ áo giáp nên đã lập đền Đồng Ân để tưởng nhớ công ơn đánh giặc của vị tướng tài. Tên gọi Đồng Ân có từ xa xưa với ý nghĩa “Nhân dân trong vùng đồng lòng biết ơn ân đức Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn”. Với vị trí chiến lược ven sông Hồng, đền Đồng Ân sau này còn là nơi hoạt động cách mạng bí mật của quân và dân Bảo Thắng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Theo ông Phạm Văn Xuân, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích đền Đồng Ân, trước kia, diện tích đền Đồng Ân khá nhỏ, hẹp, được chính những người dân thôn Quyết Tâm (trước kia là thôn Mi) tạo dựng và thờ tự. Sau đó, đền được trùng tu, tôn tạo và mở rộng nhiều lần bằng nguồn xã hội hóa. Người dân trong vùng khi có việc lớn, nhỏ của gia đình, dòng họ, địa phương đều thành kính sắp lễ, dâng hương, cầu mong mọi việc thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, người người, nhà nhà khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc…
Bà Bùi Thị Nhưỡng, thôn Quyết Tâm cho biết: Tôi sinh ra thì đền đã có. Chúng tôi tự hào vì địa phương có một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh có ý nghĩa tâm linh và ngày càng nhiều người biết đến.
Sau nhiều biến cố lịch sử, đến nay, đền Đồng Ân vẫn còn giữ lại được nền móng ngôi đền cổ, nhiều hiện vật được xác định có niên đại trên 100 năm (chiếc chuông đồng) đang được lưu giữ tại đây đã minh chứng giá trị văn hóa, lịch sử của đền.
Nhiều hiện vật cổ có niên đại trên 100 năm được lưu giữ tại đền Đồng Ân. |
Năm 2016, đền Đồng Ân đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và lấy ngày 23/1 (âm lịch) hằng năm làm ngày tổ chức Lễ hội đền Đồng Ân, còn gọi là khai ấn năm mới; lấy ngày 20/8 (âm lịch) hằng năm làm ngày tiệc chính (ngày giỗ), để du khách thập phương đến dâng hương tưởng nhớ Đức thánh Trần và các vị thần được thờ phụng nơi đây.
Theo bà Đặng Thị Vận, thủ nhang đền Đồng Ân, ngày khai ấn và ngày giỗ luôn thu hút rất đông người dân trong và ngoài huyện tới đền dâng hương cũng như tham gia các hoạt động cùng người dân địa phương như rước kiệu, tế lễ, chơi các trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, đu quay)…
Với vị trí thuận lợi về phong thủy, hướng nhìn ra sông, lưng tựa vào dãy núi con Voi hùng vỹ, ngôi đền không chỉ là nơi ghi dấu tinh thần đấu tranh, bảo vệ bờ cõi, non sông của cha ông, mà còn góp phần làm phong phú hơn nét văn hóa tâm linh của vùng đất ven sông trù phú này.
Đền Đồng Ân đang trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch của tỉnh khi được kết nối với các điểm di tích khác trên địa bàn. Cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa tọa lạc dọc sông Hồng như đền Thượng, đền Mẫu, đền Cấm, đền Quan, đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai), đền Bảo Hà (Bảo Yên)… đền Đồng Ân góp thêm một địa chỉ trong hành trình du lịch tâm linh của du khách thập phương khi tới Lào Cai.