Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Lào Cai xếp trong Top 10 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người cao nhất cả nước; xếp trong Top 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến năm 2050, Lào Cai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng, một trung tâm kết nối, một điểm tựa vững chắc về quốc phòng an ninh, đối ngoại của vùng trung du miền núi phía Bắc và cả nước, Lào Cai đã có những định hướng cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực sau:
Thứ nhất, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm Logistc quan trọng của cả nước. Ưu tiên xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu có mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực; có năng lực tập trung, điều phối hàng hoá; cung cấp dịch vụ logistic chi phí thấp trong đó “Cao tốc Hà Nội – Lào Cai là trục kết nối, Cảng hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển” để trở thành trung tâm giao thương của các nước ASEAN với thị trường Tây Nam – Trung Quốc. Tạo cơ sở vững chắc để xây dựng khu hợp tác qua biên giới. Dự kiến đến năm 2030, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá qua Lào Cai đạt 15 tỷ đô la; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (bao gồm cả chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh…) đạt 50 tỷ USD.
Tỉnh Lào Cai được các doanh nghiệp đánh giá có môi trường đầu tư kinh doanh khá tốt, luôn gắn với câu nói quen thuộc, “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”. Ảnh (TL)
Thứ hai, xây dựng Lào Cai trở thành hạt nhân du lịch của vùng – Lào Cai là điểm đến tầm cỡ quốc tế với trụ cột là Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Cùng với việc khai thác hiệu quả Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai trở thành cầu nối du lịch quan trọng; thực hiện điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước; bảo đảm đủ năng lực đón 15 triệu du khách vào năm 2030.
Thứ ba, phát triển công nghiệp theo hướng gia công, chế biến sâu; tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho chuỗi sản xuất công nghiệp của cả nước. Điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển công nghiệp; gắn khai thác với chế biến sâu các loại khoáng sản; ưu tiên công nghiệp gia công chế tạo sản phẩm công nghệ, giá trị cao; tiếp tục cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong vùng và cả nước. Nghiên cứu khai thác, chế biến đất hiếm cung cấp cho các ngành sản xuất công nghệ cao. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2030 vượt mức 100.000 tỷ đồng.
Thứ tư, xây dựng Lào Cai thành trung tâm dịch vụ và tài chính của khu vực và quốc tế trong tương lai. Với định hướng xây dựng trung tâm logistic hiện đại; trở thành hạt nhân du lịch vùng và sự điều chỉnh chiến lược sản xuất công nghiệp, Lào Cai sẽ là điểm đến của các tổ chức tài chính trong nước, các quỹ đầu tư và các tập đoàn tài chính nước ngoài. Đây là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy hình thành một trung tâm Tài chính – Ngân hàng gắn với hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số hiện đại.
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng số. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại tạo thành mạng lưới liên hoàn, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và Quốc tế. Ưu tiên phát triển nhanh hạ tầng số phục vụ xây dựng chính quyền số; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận sớm, an toàn nguồn tài nguyên số phục vụ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư; chủ động tham gia xu hướng phát triển kinh tế số theo Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
Thứ sáu, biến thách thức về quy mô dân số nhỏ để xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm thu hút lao động của vùng. Đến năm 2030, Lào Cai sẽ cần thêm khoảng 300.000 – 500.000 lao động cho nhu cầu phát triển công nghiệp, logistic và thương mại – du lịch. Đây chính là cơ hội để Lào Cai thu hút, giải quyết việc làm cho các tỉnh trong vùng, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc.
Thứ bảy, tiếp tục củng cố hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế gắn với vai trò “phên dậu” quốc gia. Đẩy mạnh các hoạt động tổ chức kết nối – giao lưu – hợp tác một cách chủ động, linh hoạt giữa các địa phương trong vùng với vùng Tây Nam – Trung Quốc; đẩy mạnh giao thương kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lào Cai; từng bước xây dựng Lào Cai thành hạt nhân kết nối tin cậy của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh./.