Hoạt động dân vận được triển khai sâu rộng trong lực lượng vũ trang. |
Ngoài xã Thẳm Dương, lực lượng vũ trang tỉnh còn tham gia làm dân vận tại xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát) và Tả Ngài Chồ (Mường Khương). Trước đó, tháng 5/2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng chỉ đạo Trung đoàn 254, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bát Xát, huyện Mường Khương cơ động lực lượng tham gia xây dựng nông thôn mới tại xã A Lù (huyện Bát Xát) và xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương). Cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp 310 ngày công giúp dân đổ hơn 300 m đường giao thông nông thôn; nạo vét hơn 1,5 km rãnh thoát nước; sửa gần 500 m đường và làm 1.600 m đường điện thắp sáng làng quê. Đồng thời, giúp dân đào rãnh trồng chè; san, gạt ta luy; đào móng nhà; vệ sinh, tu sửa trường học, đường làng ngõ xóm; tư vấn, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi, người có bệnh nền sau ảnh hưởng của dịch Covid-19; tổ chức giao lưu văn nghệ kết hợp tuyên truyền pháp luật… Đồng chí Goàng Sào Tờ, Bí thư Chi bộ thôn Lao Tô Chải, xã Tả Gia Khâu bày tỏ: Được bộ đội về giúp đỡ, chúng tôi rất phấn khởi. Trong các hoạt động, chi bộ chỉ đạo mỗi hộ cử ít nhất 1 người tham gia làm cùng bộ đội để đẩy nhanh tiến độ công việc, vừa tăng cường gắn bó tình quân dân.
Cùng với thường xuyên huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã có nhiều hoạt động dân vận hướng về cơ sở, nhất là ở những xã vùng khó khăn. Đồng thời, phối hợp với hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội củng cố xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường mối đoàn kết gắn bó quân dân.
Bộ đội tham gia mở đường xuống mốc 169 xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương. |
Trong năm, ban chỉ huy quân sự 9 huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác huấn luyện dân quân kết hợp làm công tác dân vận với hàng nghìn ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp người dân phát triển kinh tế. Các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nổi bật là ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố và Trung đoàn 254 đã xây dựng được mô hình “dân vận khéo”, duy trì hoạt động hiệu quả.
Điển hình như Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Bàn lựa chọn thành lập mô hình “Hậu phương người chiến sĩ” tại xã Nậm Chày. Đây là một trong những xã nghèo nhất huyện Văn Bàn. Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã cùng lực lượng dân quân, các ngành, đoàn thể xã Nậm Chày đóng góp sức người, sức của san gạt nền và đổ bê tông 2 km đường giao thông; củng cố, tu sửa 7,5 km đường giao thông. Ban Chỉ huy Quân sự huyện còn cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương giúp đỡ 2 gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đúng như tên gọi của mô hình. Theo đó, các lực lượng giúp các gia đình nhiều ngày công tu sửa nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, thu hoạch hoa màu; hỗ trợ 1.000 cây quế giống.
Qua những hoạt động dân vận góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân. |
Đồng chí Phí Công Hoan, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn cho biết: Mô hình dân vận khéo “Hậu phương người chiến sĩ” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện triển khai thời gian qua rất có ý nghĩa đối với công tác quân sự, quốc phòng và dân vận tại địa phương. Thời gian tới, Huyện ủy chỉ đạo tiếp tục nhân rộng mô hình ra các xã trên địa bàn huyện để kêu gọi nhiều hơn sự hỗ trợ của xã hội đối với gia đình các quân nhân; làm tốt công tác hậu phương quân đội cũng chính là góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân vững chắc.
Những việc làm hướng về cơ sở của lực lượng vũ trang tỉnh thời gian qua làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng Nhân dân, đội quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.