Sông Hồng chỉ khi đến thành phố Lào Cai mới trọn vẹn đôi bờ chảy vào lòng đất Việt. Ảnh: Ngọc Bằng |
Từ đầu nguồn con nước, sông Hồng tiếp tục hành trình qua nhiều tỉnh, thành phía Bắc trước khi đổ ra cửa Ba Lạt vào biển Đông. Dòng chảy tự nhiên vô tình chia thành phố Lào Cai thành hai nửa, khai thác đặc điểm này, thành phố đã quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị dọc triền sông. Một sự tương hỗ hợp lý, sông làm chất thơ cho phố, phường phố gấm hoa làm cho dòng sông trở nên đẹp hơn, sống động hơn.
Rạng rỡ bức tranh phố phường bên dòng sông Hồng thơ mộng. |
Phố cổ Lão Nhai xưa chủ yếu gồm khu Phố Tèo, biến đổi cùng thăng trầm lịch sử, địa giới hành chính của thành phố Lào Cai hôm nay đã mở rộng thêm nhiều. Gần nhất là lần sáp nhập một phần diện tích huyện Bảo Thắng, một phần huyện Bát Xát để không gian đô thị và quy mô dân số thành phố Lào Cai tăng lên đáng kể. Việc sáp nhập cũng nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I trong giai đoạn tới, điều mà cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương phấn đấu từ nhiều năm qua.
Ở nơi ngã ba sông biên giới, thành phố Lào Cai đang hội đủ rất nhiều điều kiện lý tưởng cho sự phát triển. Từ Duyên Hải, Lào Cai, Cốc Lếu, Kim Tân, Bắc Cường, phường phố gấm hoa đã trải dọc đôi bờ. Ngoài sông Hồng mềm mại như dải lụa vắt ngang, thành phố Lào Cai còn có cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế, ga liên vận quốc tế, là đầu mối giao thông quan trọng đi các huyện, nhất là lên khu du lịch quốc gia Sa Pa và huyện Bắc Hà. Mai mốt, khi càng hàng không Sa Pa đi vào hoạt động chắc chắn tầm vóc và vị thế của thành phố Lào Cai sẽ nâng lên hơn nữa.
Người dân thành phố tích cực chỉnh trang, làm đẹp phố phường. |
Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Lào Cai và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn năm 2050, thành phố Lào Cai được xác định là trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế của vùng và cả nước với tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam (Trung Quốc); là cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và cả nước với Tây Nam – Trung Quốc; trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu, công nghiệp, logistics; đầu mối giao thông quan trọng liên vùng, liên quốc gia và quốc tế; trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh; trung tâm công nghệ, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Lào Cai. Không gian đô thị được xác định phát triển theo 5 trục cơ bản, cùng với đó là việc chú trọng phát triển cây xanh ở những nơi còn đất trống, hướng đến xây dựng thương hiệu đặc trưng “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng”. Một sự phát triển hài hòa giữa tự nhiên và con người, vừa góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tác động môi trường, vừa tạo sự phát triển bền vững cho một đô thị xanh.
Thành phố Lào Cai đang nỗ lực phấn đấu để trở thành đô thị loại I trong tương lai gần. Ảnh: Ngọc Bằng |
Trong tương lai, thành phố Lào Cai sẽ gồm 7 phân khu chức năng phù hợp với vị trí, điều kiện của từng phường, xã. Nằm trong phân khu Kinh tế cửa khẩu và du lịch tâm linh gồm các phường Duyên Hải, Cốc Lếu, Lào Cai và Kim Tân, phường Duyên Hải xác định sẽ phát triển thương mại, dịch vụ, xuất – nhập khẩu và trở thành một phường đối ngoại của thành phố Lào Cai. Đồng chí Bùi Đại Quang, Bí thư Đảng ủy phường Duyên Hải cho hay: Cấp ủy, chính quyền địa phương đã mạnh dạn đề xuất việc di chuyển Khu tiểu thủ công nghiệp Bắc Duyên Hải gồm 107 cơ sở về khu vực phía Nam thành phố. Thay vào đó là một khu đô thị hiện đại đã được quy hoạch chi tiết bên cạnh khu cửa khẩu quốc tế năng động.
Theo Quy hoạch chung thành phố Lào Cai và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn năm 2050, diện tích thành phố Lào Cai đã tăng từ 229,67 km2 (năm 2004) lên 282,13 km2 (năm 2020) và sẽ tăng lên khoảng hơn 500 km2 đến năm 2050. Thành phố luôn chủ động phối hợp với các sở, ngành tổ chức rà soát, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh thực hiện lập mới, hoặc điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và thành phố. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung của thành phố đã đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 24%, quy hoạch chi tiết khu vực đô thị đạt 71,6%. Thành phố đã cụ thể hóa 3 quy hoạch phân khu, 24 tiểu khu đô thị để phát triển các khu đô thị tập trung với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, ngày càng hiện đại.
Hiện, thành phố đang tiếp tục đưa quy hoạch xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, là cơ sở cho việc thực hiện các dự án, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước để tạo bước “nhảy vọt” trong tương lai. Mục tiêu giai đoạn 2023 – 2025 phủ kín quy hoạch phân khu đạt 100% và giai đoạn 2023 – 2030 quy hoạch chi tiết đô thị khoảng 90% trở lên, tạo các trục chính kết nối giao thông giữa các xã, phường trên địa bàn thành phố, đặc biệt là giữa những khu vực mới sáp nhập như xã Cốc San, xã Thống Nhất với những khu vực xã, phường cũ.
Sau nhiều năm tập trung nguồn lực đầu tư, hệ thống giao thông kết nối trung tâm đô thị đến các xã tương đối hoàn thiện giúp việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. Thành phố cũng đang chú trọng tìm nhiều giải pháp nhằm tạo ra sự phát triển cân bằng giữa trung tâm đô thị và khu vực ven đô, trong đó đường giao thông đóng vai trò tiên phong, kích thích giao thương, giao lưu văn hóa, kinh tế… Định hướng của thành phố, trong 6 trục giao thông Bắc – Nam sẽ xây dựng một trục đường bán vành đai 2 thuộc trục kinh tế nông nghiệp – du lịch. Tuyến đường này sẽ kết nối các trung tâm xã, các khu nuôi trồng nông sản và các khu du lịch sinh thái, trải nghiệm. Nhất là 8 trục giao thông Đông – Tây qua đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, có nhiều tuyến đường kết nối giữa tỉnh lộ, quốc lộ và các khu đô thị với các xã theo chiều ngang sẽ góp phần khai thác tối đa lợi thế của các xã cho quá trình phát triển.
Người dân vùng cao của thành phố Lào Cai đổi mới tư duy, phương thức sản xuất phát triển kinh tế, làm giàu. |
Theo đồng chí Trần Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Phời, những năm tới, địa phương sẽ tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái theo định hướng chung của thành phố. Hướng đi này sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có với diện tích rừng nguyên sinh ở các thôn vùng cao, khí hậu mát mẻ, giàu bản sắc văn hóa truyền thống các tộc người. Hiện tại, trên địa bàn xã đã hình thành một số mô hình nông nghiệp thu nhập cao như: Nuôi cá nước lạnh, trang trại chăn nuôi quy mô trung bình, cơ sở chế biến tinh dầu húng quế… Một vài năm tới, khi các dự án hạ tầng giao thông kết nối được xây dựng sẽ thực sự mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân vùng cao Tả Phời.
Trên nền phố chợ thủa xa xưa ấy, đô thị biên cương – thành phố Lào Cai hôm nay đã khác nhiều, bề thế, to đẹp và hiện đại hơn. Những gì hiện hữu hai bên sông Hồng hôm nay được dệt nên từ bàn tay, khối óc của biết bao thế hệ người dân thành phố. Bức tranh sơn thủy tiếp tục được vẽ lên từ những đồ án quy hoạch đặt trong định hướng tổng thể lâu dài hứa hẹn sẽ tạo nên sự đồng bộ, để phố và sông ngày càng gắn bó hài hòa, tôn thêm vẻ đẹp đô thị trong hành trình phát triển của thành phố Lào Cai.