Ông Đỗ Văn Biển (xã Cốc Mỳ) trồng gần 2 ha rừng kinh tế. |
Trở về quê hương lập nghiệp, ông Đỗ Văn Biển (sinh năm 1964) – hội viên Hội Nông dân xã Cốc Mỳ – đã làm nhiều nghề nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Năm 1998, nhận thấy đất vườn rộng, phù hợp với chăn nuôi nên ông đã dùng vốn tiết kiệm và vay mượn thêm để đầu tư nuôi lợn thịt, lợn nái. Từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ vài con lợn và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, ông dần mở rộng quy mô lên chăn nuôi lớn, xây thêm chuồng trại và phát triển mô hình nuôi gà thả vườn. Đến năm 2019, thấy nhu cầu vận tải của người dân trong khu vực ngày càng cao, ông mua ô tô và máy xúc để chuyên chở vật liệu xây dựng. Nhờ đó, gia đình ông Biển từ một hộ khó khăn đã có của ăn, của để. Mô hình chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ đem lại nguồn thu hơn 200 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bát Xát cho biết: Ông Đỗ Văn Biển là một trong rất nhiều điển hình của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện. Nhằm triển khai rộng rãi phong trào đến hội viên, nông dân, các cấp hội nông dân huyện Bát Xát đã đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế và vận động cán bộ, hội viên thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên. Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực như hỗ trợ vay vốn, tổ chức tập huấn khoa học, kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, tạo chuyển biến trong việc nâng cao đời sống của nông dân… Bình quân mỗi năm, hội tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho hơn 10.000 lượt hội viên, nông dân. Các cấp hội tích cực vận động, xây dựng, ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng nguồn quỹ do huyện quản lý đạt hơn 2 tỷ đồng, trong đó nguồn quỹ Trung ương ủy thác là 1,9 tỷ đồng.
Cùng với nguồn quỹ hội, Hội Nông dân huyện, xã phối hợp ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp cho hội viên vay vốn với tổng dư nợ ước hơn 220 tỷ đồng. Qua đó, hằng năm đã giúp hàng nghìn lượt nông dân có nguồn vốn đầu tư sản xuất và gắn bó, tham gia các phong trào của hội, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Nội dung phong trào thi đua liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, lan tỏa trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Đến nay, huyện Bát Xát có 1.920 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn, chương trình, dự án, mô hình sinh kế và tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện sẽ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tìm tòi, sáng tạo trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, qua đó nâng cao thu nhập cho cán bộ, hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.