Tại Kỳ họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với tinh thần đổi mới, chủ động đã có nhiều đóng góp tích cực, được Quốc hội quan tâm, đánh giá cao.
Quang cảnh Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV |
Đóng góp vào Dự án Luật Thi đua – Khen thưởng
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội Lào Cai nêu, Dự án Luật Thi đua – Khen thưởng (sửa đổi) có 8 nhóm điểm mới bao trùm rất nhiều đối tượng, được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm. Để góp phần hoàn thiện dự thảo, đại biểu có một số ý kiến chỉ rõ các điểm trùng lắp về trách nhiệm của tỉnh, việc quy định, hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” tại các khoản, điều khác nhau trong Dự án Luật, cần xem xét, chỉnh sửa.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại tổ về các dự án luật |
Đối với tiêu chuẩn Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu đã có sự điều chỉnh so với Luật hiện hành. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kế thừa, cần xem xét bổ sung thêm về quy định tiêu chuẩn khen thưởng để không ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của cá nhân và phù hợp với thực tế.
Thực tế là có cá nhân đạt 5 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng lại không được chiến sỹ thi đua cơ sở do tiêu chuẩn của hai danh hiệu này khác nhau. Đại biểu cũng đề nghị ngoài sáng kiến được công nhận thì cần bổ sung thêm tiêu chuẩn đề tài, đề án khoa học để xét tiêu chuẩn Bằng khen của các bộ, ban, ngành Trung ương, của UBND tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến tại buổi thảo luận ở tổ. |
Dự án Luật quy định “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Quân công” hạng Nhất, Nhì, Ba… tặng các bộ, ban, ngành, địa phương nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập năm tròn cần được bổ sung nội dung “…nhân dịp ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, ngày tái lập…”. Vì nếu chờ tới năm tròn (10 năm) mới đề nghị xét tặng là thiếu sự kịp thời, khó khăn trong động viên, khuyến khích thi đua.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng có ý kiến về quy định, tiểu chuẩn xét tặng đối với các danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và danh hiệu khác.
Tham gia vào Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Tham gia vào Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có ý kiến phát biểu.
Về sự cần thiết, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, hiện nay các nội dung chủ yếu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được điều chỉnh trong 4 văn bản là các Nghị quyết, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sùng A Lềnh tham gia ý kiến với Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở |
Điểm hạn chế của các văn bản này là thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa tiệm cận với mục tiêu bảo đảm quyền lực nhà nước. Việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở còn nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể tại Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các thông báo, kết luận khác của Trung ương; phù hợp với Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng có ý kiến cụ thể, sâu sắc, thuyết phục đối với bố cục của Dự thảo Luật, một số nội dung cần quan tâm, điều chỉnh để phù hợp với thực tế và chủ trương của Đảng đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, đại biểu Sùng A Lềnh, cho rằng, với đối tượng “doanh nghiệp nhà nước” là tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn lực đầu tư công của Nhà nước cần có phạm vi điều chỉnh mang tính đặc thù để thuận lợi tronng quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa có hiệu quả nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Quan tâm giáo dục – y tế vùng cao, vùng khó khăn
Phát biểu trực tiếp tại hội trường về các báo cáo phát triển kinh tế – xã hội, đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội Lào Cai tập trung đề cập tới việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đại biểu Lê Thu Hà, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025: Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, trung học cơ sở trên 95%, trung học phổ thông trên 60%…
Để đạt được mục tiêu này rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành nội vụ, giáo dục, chính quyền địa phương, trong đó trọng tâm là xây dựng đội ngũ giáo viên ở miền núi đủ số lượng, tinh về chất lượng. Thực tế là hiện nhiều địa phương miền núi, vùng cao đang thiếu số lượng giáo viên so với định biên trong khi lộ trình tinh giản biên chế vẫn đang được đẩy mạnh cả trong ngành giáo dục và đào tạo.
Đại biểu Lê Thu Hà cũng cho rằng, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh các xã khu vực III hoàn thành nông thôn mới trở về xã khu vực I. Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo hướng có chế độ hỗ trợ đối với học sinh ở xã khu vực I mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, 10kg gạo/mỗi tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học nhằm duy trì các trường phổ thông dân tộc bán trú, huy động tối đa học sinh học tại trường chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Về công tác chăm sóc trẻ em, đại biểu Lê Thu Hà nhấn mạnh: Suy dinh dưỡng là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới và là một bệnh có thể phòng ngừa và điều trị.
Trẻ bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp tới 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Ngoài nguy cơ tử vong, trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính còn bị ảnh hưởng lâu dài đến phát triển trí tuệ, thể chất, khả năng học tập, rộng hơn là ảnh hưởng đến các chi phí của gia đình, xã hội cũng như quốc gia.
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng nặng, cấp tính có tỷ lệ cao ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc, chiếm khoảng 0,5% dân số.
Điều đáng lo ngại là hiện vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính từ ngân sách cho các can thiệp quản lý, lồng ghép giảm thiểu tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính, đang có tới 90% trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính không được điều trị đúng yêu cầu.
Đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu trực tiếp tại Hội trường. |
Đai biểu Lê Thu Hà cũng cho rằng, chương trình sữa học đường được rất nhiều các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua, nhưng nhiều trường miền núi vẫn chưa tiếp cận được với nội dung này.
Đại biểu cũng đề nghị luật hoá việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính với cơ chế chi trả bền vững thông qua quỹ bảo hiểm y tế, đồng thời xem xét bố trí ngân sách riêng bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em miền núi vì suy dinh dưỡng cấp tính thể nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn của cơ sở y tế.
Đại biểu Hà Đức Minh tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Hội trường |
Ngoài ra, các đại biểu tỉnh Lào Cai còn tham gia nhiều nội dung quan trọng khác của Kỳ họp như chất vấn trực tiếp tại Hội trường, cho ý kiến vào các báo cáo, dự án đầu tư, tổng kết các nghị quyết của Quốc hội…