Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa cho biết: Mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã khẳng định những ưu điểm trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bởi công ty có vùng nguyên liệu, còn người dân tham gia có thu nhập ổn định. Trung bình mỗi năm, người dân thị xã Sa Pa thu về khoảng 8 tỷ đồng từ bán lá atiso cho công ty, chưa kể tiền bán củ và hoa cho khách du lịch.
Người dân Sa Pa thu nhập cao từ trồng cây atiso. |
Tương tự, những năm gần đây, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ chè búp tươi giữa Công ty TNHH Một thành viên Mường Hoa với hàng trăm hộ ở 2 xã Cao Sơn, La Pan Tẩn (Mường Khương) đã góp phần gia tăng chất lượng và tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ông Sùng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Cây chè trồng ở Cao Sơn hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển rất tốt, chất lượng đảm bảo. Có doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn xã đứng ra thu mua chè cho nông dân với giá dao động từ 12 – 20 nghìn đồng/kg chè búp tươi, nên nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè. Năm 2022, huyện giao trồng mới hơn 60 ha chè, nhưng người dân đăng ký trồng gần 130 ha. Hiện xã có 294 ha chè, trong đó gần 100 ha đang cho thu hoạch với sản lượng đạt trên 500 tấn chè búp tươi/năm.
Nhờ liên kết sản xuất, cây chè đang mang lại nguồn thu ổn định cho người dân Mường Khương. |
Theo anh Thào Sinh, thôn Pa Cheo Phìn A, xã Cao Sơn, gia đình anh trồng chè từ năm 2011 với khoảng 0,5 ha và tiếp tục mở rộng diện tích trồng trên nương ngô cằn cỗi, đất đồi hoang hóa lên hơn 2 ha. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình anh thu khoảng 100 triệu đồng từ cây chè. Nhờ đó, gia đình anh có cuộc sống ổn định.
Toàn tỉnh hiện có 32 mô hình liên kết (27 mô hình trồng trọt, 3 mô hình chăn nuôi, 2 mô hình nuôi thủy sản), quy mô đạt 17.552 ha với 16.664 hộ tham gia. Tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt trên 1.043 tỷ đồng.
Theo ông Vi Văn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc xây dựng các mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ nông dân đã tạo chuỗi giá trị sản xuất từ khâu sản xuất, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo tính ổn định, bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Một số mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm tiềm năng địa phương, tiêu biểu như chè ở Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng; chuối ở Mường Khương, Bát Xát; dứa ở Mường Khương, Bảo Thắng; dược liệu ở Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa; cá nước lạnh ở Sa Pa; quế, sả ở Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên…