Bà Lâm Thị Trướng đan đệm rơm.
Những chiếc đệm rơm được người Tày xã Bản Liền đan kết cẩn thận, mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống. Dù không còn dùng để nằm như trước kia, nhưng đệm rơm vẫn được nhiều người dân ở Bản Liền dùng để ngồi và là tấm che nắng, chắn gió cho ngôi nhà, cho chuồng gia súc, gia cầm…
Bà Lâm Thị Trướng, 61 tuổi ở thôn Đội 3, xã Bản Liền có nhiều năm kinh nghiệm đan đệm rơm cho biết: Nghề đan đệm rơm có từ rất lâu rồi. Hơn 10 năm trước, đệm rơm được đan và bán tại chợ với giá từ 10 đến 15 nghìn đồng/chiếc, bây giờ có giá 100 nghìn đồng/chiếc, nên tạo thêm thu nhập cho người làm. Nhiều người khi thấy được công dụng của vật dụng này đã đặt mua về dùng. Đệm thường được đan theo kích thước của người đặt mua cho phù hợp với mục đích sử dụng khác nhau.
Theo những người lành nghề, để có được một chiếc đệm rơm đẹp, bền, chắc, điều quan trọng nhất là lựa chọn loại rơm của lúa nếp; cây rơm thân dài, dai, được phơi khô, sau đó mới đan thành những chiếc đệm. Bây giờ người đan còn sử dụng dây dứa và dây cước loại to để bện rơm tạo sự gắn kết, giúp sản phẩm bền, chắc hơn.
Dù những chiếc đệm rơm có nhiều công dụng, nhưng ngày nay còn rất ít người biết làm, người làm thuần thục cũng phải mất ít nhất 2 ngày mới hoàn thiện 1 chiếc đệm dài 2 m, rộng 1,6 – 1,8 m.
Ghế rơm của người Tày.
Đan đệm rơm bây giờ còn trở thành một trong những nghề kết hợp với phát triển du lịch, thu hút du khách tới tham quan Bản Liền. Người dân đan đệm rơm không chỉ tạo ra vật dụng dùng trong gia đình mà đang dần tạo ra nhiều sản phẩm mới như đệm rơm ngồi, ghế rơm, chiếu rơm, túi bằng rơm phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng và du khách…
Từ những bàn tay khéo léo, người Tày ở Bản Liền đã và đang tạo ra những chiếc đệm rơm vừa phục vụ cuộc sống gia đình, làng bản, vừa tạo nên nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt, góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.