Bà Ly Gờ Che vót đũa sau khi lựa chọn những cây trúc từ rừng về. |
Sản phẩm đũa trúc của người Hà Nhì độc đáo ở chỗ que đũa được làm hoàn toàn từ thân một loại cây trúc nhỏ mọc trong khu rừng già của xã Y Tý, thân tròn và có độ dài đốt rất đều.
Bà Ly Gờ Che ở thôn Mò Phú Chải, xã Y Tý năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng tay vẫn thoăn thoắt vót những mảnh cây trúc để làm đũa. Bà Che tâm sự: Hiện nay không còn nhiều người làm đũa Hà Nhì bởi đã có những loại đũa bán sẵn và đẹp, nhưng người lớn tuổi như tôi vẫn muốn giữ nghề này. Để có được đôi đũa đẹp thì người làm phải đi vào rừng và dựa theo kinh nghiệm của mình chọn đúng loại cây trúc có độ già phù hợp lấy về làm đũa. Sau khi chọn trúc, vót thành đũa, người làm sẽ cho đũa vào nồi luộc rồi hong khô, bó lại thành từng bó và treo lên gác bếp để đũa không bị mốc, mọt, có được độ cứng…
Trước đây, người Hà Nhì chỉ làm đũa bán cho người quen sử dụng, nhưng từ năm 2020, sau khi đem ra chợ bán lại có nhiều người ở thành phố hoặc khách du lịch mua về dùng và còn đặt hàng mua với số lượng lớn, tạo cơ hội cho người làm đũa ở vùng cao Y Tý có thêm thu nhập. “Năm 2020, nhờ bán đũa trúc mà tôi có khoản thu nhập khá. Bây giờ tôi vẫn tiếp tục làm nghề này”, bà Ly Gờ Che khoe.
Anh Phu Xe Mờ ở thôn Mò Phú Chải cho biết, gần đây, đũa trúc được nhiều người chọn mua bởi sản phẩm được người dân làm thủ công, không ngâm tẩm hóa chất. Mỗi bó đũa trúc Hà Nhì thường có 9 đôi được bán với giá 50 nghìn đồng. Nhờ sự đặc biệt là sản phẩm sạch, nghề làm đũa Hà Nhì đang đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.