Nhà sàn được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi. Nó không chỉ là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, dân tộc mà còn là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống.
Nhà sàn thường cao hơn mặt đất ít nhất 1 mét, mặt sàn được lát bằng những cây tre, vầu hoặc gỗ. Đặc biệt, nhà sàn truyền thống người vùng cao chỉ lợp bằng mái lá cọ, mái lá có độ bền cao và thân thiện với môi trường, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè, độ bền của các lá cọ được lợp lên đến gần 20 năm.
Ghi nhận của PV tại một hộ gia đình dân tộc Tày ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, phía tây bắc tỉnh Lào Cai, khi mà gia đình này quyết định lợp mới mái nhà bằng lá cọ truyền thống, không khí ở đây rộn ràng tiếng cười nói.
Hàng chục người quây quanh nhà cũng như trên mái ngôi nhà sàn để cùng nhau lợp mái lá cọ cho ngôi nhà của vợ chồng người dân tộc Tày.
Được biết, ngôi nhà đang được lợp này có 7 gian và hai sân trong với số lá cọ sẽ cần để lợp là 6.000 lá.
Trước khi lợp mái nhà cách 1-2 tháng, gia chủ phải nhờ thầy xem ngày tốt, ngày, tháng, năm được chọn phải không trùng với con giáp của cả nhà và phải xem cả ngày dỡ mái, ngày lợp mái và ngày lên nhà mới.
Khi xem xong ngày, thì lên rừng chọn tre để ngâm bùn. Tre được chọn phải là tre già, được kiểm tra bằng cách gõ con dao vào thân tre, người có kinh nghiệm sẽ biết cây tre nào đủ tiêu chuẩn. Cây tre dù già, nhưng bị sâu ăn ngọn hoặc bị cong thì cũng không đủ tiêu chuẩn.
Tre lấy về được chẻ làm 4, làm sạch mắt tre rồi ngâm vào ruộng có nhiều bùn đặc nhất. Việc ngâm bùn sẽ giúp tre không bị mọt. Thường ngâm từ 30 ngày – 60 ngày.
Lá lợp nhà phải lá lành, lá khô ở trên cây, lá gần ngọn cách từ 2 lá đổ lên thì không lấy, chỉ lấy lá cách ngọn từ tầng thứ 3 đổ xuống.
Tàu lá cọ thường được chia làm đôi, nếu lợp theo cách đẹp và chắc thì sẽ lợp hết theo một mặt sấp hoặc ngửa của lá, hai hàng liền nhau thì cuống lá sẽ quay ngược hướng nhau (ví dụ hàng trên cuống quay sang phải thì hàng dưới cuống sẽ quay sang trái). Một hàng dây được xoắn cũng từ lá cọ được luồn giữa các tàu lá lợp và khung mái để ken cho kỹ, nhà sẽ không bị dột.
Việc lợp nhà không phân biệt nam nữ, người trẻ thường thích lên mái nhà lợp nhà, vừa để học cách lợp nhà, sau này truyền lại cho các thế sau, để cách lợp mái nhà người Tày không bị thất truyền.
Hình ảnh những người phụ nữ vùng cao trèo lên mái nhà cùng lợp mái lá với cánh mày râu đã không còn xa lạ ở huyện Bắc Hà (Lào Cai).
Mái lá nhà mới, niềm vui nụ cười hạnh phúc của những người phụ nữ khi 1 tay đóng góp sức lao động vào căn nhà mình ở. Một phụ nữ địa phương cho biết: “Khi đàn ông không có nhà, phụ nữ chúng tôi phải lợp nhà. Ở Bản Liền, luôn có phụ nữ trèo lên nóc nhà của chúng tôi và sửa lại mái nhà.”
Một câu nói phổ biến của Việt Nam là “Con không cha như nhà không nọc” (đứa trẻ không cha, chẳng khác gì nhà không nóc). Đối với những người dân vùng cao để lợp được mái nhà lá đẹp, đều phải có sự chung sức của toàn thể người trong gia đình tạo nên sự đoàn kết bền lâu.
Mái nhà sàn của người Tày huyện Bắc Hà (Lào Cai) nằm dưới sườn đồi phía trước là ao cá, ruộng nương tạo nên một khung cảnh, bức tranh tuyệt đẹp nơi vùng núi cao Tây Bắc.