Cán bộ lãnh đạo cấp sở của tỉnh hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý do Bộ Nội vụ và UBND tỉnh phối hợp tổ chức. |
Thời gian gần đây, điểm nhấn trong công tác cán bộ của Đảng bộ thị xã Sa Pa là tập trung quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đó, Sa Pa bám sát các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy để quy hoạch nguồn đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu cấp ủy, tỷ lệ nữ, cơ cấu cán bộ là người dân tộc thiểu số. Ông Vũ Đức Hòa, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Sa Pa cho biết: Đối với cấp thị xã, quy trình quy hoạch để xây dựng nguồn được cụ thể hóa, ví dụ như với Ban Chấp hành Đảng bộ có 85 đồng chí, nguồn Ban Thường vụ Thị ủy có 23 đồng chí, các chức danh cán bộ chủ chốt thì đều đảm bảo từ 2 đến 4 người quy hoạch cho 1 chức danh, không quy hoạch 1 người cho 1 chức danh. Về công tác luân chuyển cán bộ, để phục vụ tốt nguồn nhân sự cho nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thị ủy Sa Pa đã xây dựng kế hoạch luân chuyển 2 đợt với 15 đồng chí về cơ sở giữ chức vụ cán bộ chủ chốt và điều động 19 đồng chí đảm nhiệm các chức danh cấp huyện.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đảng bộ tỉnh rất chú trọng công tác điều động, luân chuyển cán bộ nhằm đảm bảo các yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Việc điều động, luân chuyển cán bộ đã khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín về công tác cán bộ tại các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã luân chuyển 254 lượt cán bộ, trong đó cấp tỉnh 68 lượt, cấp huyện 186 lượt cán bộ.
Gắn với công tác điều động, luân chuyển, việc sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định, quy chế về công tác cán bộ cũng như phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ cũng được Tỉnh ủy quan tâm. Ngày 3/11/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 22 về “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng tỉnh Lào Cai”. Cũng trong tháng 11/2017, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Quy định 20 về việc bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Từ đó, công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ được cụ thể hóa bằng các quy định, hướng dẫn cụ thể; việc giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện đúng thẩm quyền và quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, số lượng, độ tuổi, đảm bảo khách quan, có sự thảo luận, thống nhất trong tập thể và có sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.
Nhờ việc bổ sung, cụ thể hóa các quy định về công tác cán bộ mà các cấp, ngành, đơn vị, địa phương không phát hiện trường hợp chạy chức, chạy quyền cũng như tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm trong việc bổ nhiệm cán bộ. Cán bộ khi được đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đều có trong quy hoạch và xuất phát từ nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 22, tỉnh đã tổ chức 20 cuộc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó có 3 chức danh diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý; 1 chức danh thuộc diện UBND tỉnh quản lý và 16 chức danh thuộc diện cơ quan, đơn vị quản lý.
Chất lượng cán bộ của tỉnh Lào Cai ngày càng được nâng cao nhờ việc đổi mới các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo. |
Một trong những điểm nổi bật trong công tác cán bộ thời gian qua còn là khâu quy hoạch đảm bảo đúng nguyên tắc, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Tỉnh ủy về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, việc quy hoạch đảm bảo về số lượng, thành phần, cơ cấu giới tính, dân tộc, độ tuổi phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa bàn, đồng thời đáp ứng được yêu cầu và thực trạng đội ngũ cán bộ của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được tỉnh quan tâm, coi đây là khâu quan trọng, thậm chí quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Do vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, theo yêu cầu chức danh và vị trí của công chức, viên chức. Hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Hơn 4 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng 9.876 lượt cán bộ, trong đó đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị – hành chính theo tiêu chuẩn chức danh được 6.975 lượt người; bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước cho gần 3.000 cán bộ, công chức.
Một trong những khâu quan trọng được Tỉnh ủy đặc biệt coi trọng và có nhiều đổi mới là đánh giá cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định 32 ngày 7/12/2018, mới đây là Quy định số 1377 ngày 25/11/2019 về việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã chỉ đạo đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo chất lượng, hiệu quả công việc đúng quy trình, công khai, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, khắc phục tình trạng nể nang trong tự phê bình và phê bình. Từ năm 2018, với việc áp dụng quy định mới về đánh giá cán bộ, công chức theo thẩm quyền, trách nhiệm đã khắc phục được tình trạng chạy theo thành tích, đánh giá cán bộ qua loa, chiếu lệ, cào bằng.
Với phương châm lấy việc đổi mới công tác cán bộ làm khâu “then chốt” trong xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, thời gian qua, Tỉnh ủy còn đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các biểu hiện cụ thể để mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức tự kiểm tra, đánh giá, từ đó đề ra cách sửa chữa, khắc phục. Đó cũng là “chìa khóa” để Đảng bộ tỉnh giành nhiều thắng lợi mới trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua.