Cổng làng thôn Hòa Sử Pán 1 được xây dựng bằng 100% nguồn xã hội hóa.
Với phương châm thực hiện “Xây dựng nông thôn mới từ nhà ra ngõ”, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, phát động mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, vệ sinh đường làng ngõ xóm. Tiếp tục thực hiện 06 phong trào chuyên đề: phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng đường giao thông nông thôn; xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc; giữ gìn an ninh, trật tự nông thôn; cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo của xã được quan tâm thực hiện, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả. Khuyến khích người dân thi đua phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung phát triển các cây thế mạnh như ngô hàng hóa, rau chuyên canh, cây ăn quả ôn đới và chăn nuôi gà, lợn đen bản địa, kết hợp phát triển du lịch dịch vụ home stay. Hết năm 2019, toàn xã còn 126 hộ nghèo, chiếm 23,08% (trên tổng số 546 hộ); thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/người/năm; xã đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Sử Pán phát triển mô hình dịch vụ du lịch home stay (Ảnh TL).
Một trong những quyết định mang tính đột phá, đó là phát huy lợi thế về văn hóa bản địa, phát triển theo hướng du lịch dịch vụ, xã đã thành lập đoàn đi thăm quan, học tập kinh nghiệm về mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Lao Chải 1 – xã Khum Há, huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “sáng, xanh, sạch, đẹp” thí điểm cho 300 hộ dân tại thôn Hòa Sử Pán 1 và Hòa Sử Pán 2.
Để thực hiện thành công mô hình, Sử Pán đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu mỗi hộ dân sẽ là hạt nhân và chủ thể, xã đã triển khai tổ chức họp thôn, vận động 85 hộ dan thôn Hòa Sử Pán 1 và Hòa Sử Pán 2 hiến gần 6 nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Người dân ủng hộ, nhất trí cao về công tác vệ sinh môi trường, mô hình làm cổng, lắp điện chiếu sáng với 100% kinh phí thực hiện do huy động các nguồn xã hội hóa.
Đến nay, các hộ dân thôn Hòa Sử Pán 1 và Hòa Sử Pán 2 đã có cổng làng, cổng dòng họ và cổng của từng nhà đều có số nhà, biển tên, địa chỉ và số điện thoại của chủ hộ. Hệ thống điện từ trung tâm UBND xã đến các hộ trong thôn Hòa Sử Pán 1 và Hòa Sử Pán 2 đã được chiếu sáng, các đường liên xã, liên thôn, liên gia đèn điện đều được bật sáng từ 18 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Dọc tuyến đường liên thôn, liên gia đều trồng cây xanh như thông, cọ, dâm bụt; từ cổng nhà đến nhà từng hộ đều được trang trí trang trí bằng chậu hoa địa làm, dương xỉ, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Hiện Sử Pán có khoảng 40 hộ đăng ký dịch vụ homestay, trong đó có gần 30 cơ sở đang hoạt động hiệu quả với trên 24.000 lượt du khách lưu trú mỗi năm. Bên cạnh chú trọng đầu tư, nâng cấp nhà cửa từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, các cơ sở homestay trên địa bàn còn triển khai nhiều loại hình dịch vụ như: Ăn uống, thiết kế các tuor tham quan, trải nghiệm khám phá thiên nhiên, tìm hiểu các nghề truyền thống của người dân bản địa,… qua đó, tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Đối với xã vùng cao còn nhiều gian khó, những việc làm trên trở thành điển hình trong phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư”. Không chỉ sáng đường, sáng ngõ, sáng thôn, Sử Pán đang bừng sáng với bước chuyển mình mạnh mẽ.