Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Thắng – Nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Lào Cai giai đoạn 1992-1994, năm nay đã gần 70 tuổi, ông cũng không thể hình dung nổi có một ngày thị xã tỉnh lỵ lại có bước phát triển vượt bậc như hôm nay. Ông Thắng nhớ lại: “Những ngày đầu tái lập, thị xã Lào Cai còn chưa có gì cả. Trụ sở chỉ có 2 dãy nhà cấp 4 lợp tôn ở ngay nền chợ Cốc Lếu cũ. Điện, nước, trường, trạm y tế chưa có; toàn bộ vừa làm vừa xây dựng mới. Tuy vậy, chỉ sau hơn một năm, tất cả các tiểu khu đã phát triển thành phường vì dân về ở rất đông. Nhân dân rất phấn khởi vì được trở về quê hương của mình. Ngày 01/9/1992 được chọn làm ngày ra mắt thị ủy, Ủy ban lâm thời tại khu vực chợ Cốc Lếu bây giờ. Buổi lễ được tổ chức trong hội trường bằng cót ép nhưng trang trọng và ai cũng xúc động phấn khởi với hy vọng về một kỷ nguyên mới phát triển của thị xã. Sau 30 năm thị xã đã có những bước đi rất thần kỳ, cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống người dân được nâng lên từng ngày. Không có mấy thị xã miền biên giới mà sau 30 năm phát triển được như Lào Cai đâu”.
Những người đã từng tiên phong lên thị xã trong những ngày đầu như ông Nguyễn Văn Thắng phấn khởi, tự hào và có chút bất ngờ trước những đổi thay của thành phố Lào Cai. Quả thật, sau 30 năm tái lập, thành phố Lào Cai hôm nay đã vươn mình trở thành một trong những thành phố biên cương phát triển nhất khu vực Tây Bắc.
Nhân dân xã Tả Phời tích cực xây dựng nông thôn mới.
Năm 2004, xã Tả Phời là xã đầu tiên trong cả nước làm đơn xin ra khỏi Chương trình 135, không ít người đã có ý kiến. Bởi vì, ra khỏi Chương trình 135 đồng nghĩa với việc xã cũng mất đi rất nhiều khoản hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Nhưng đây cũng là dịp để khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã. Anh Trần Văn Hưng – Chủ tịch UBND xã Tả Phời cho biết: “Bên cạnh những khoản đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, thành phố; phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; trong đó, tập chung chăn nuôi và mở rộng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Đến nay, xã Tả Phời có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất thành phố. Nhiều tổ hợp tác được thành lập góp phần hỗ trợ các xã viên từ khâu mua giống, thức ăn, phân bón đến bao tiêu đầu ra sản phẩm. Năm 2015, Tả Phời hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới. Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 54% (tương đương với khoảng trên 500 hộ) thì đến nay con số này chỉ còn 161 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2004 đến nay đạt 46,2 triệu đồng…”.
Người dân xã Tả Phời có thu nhập cao từ phát triển chăn nuôi.
Sau 30 năm tái lập, đến nay thành phố Lào Cai phát triển cả về chính trị, kinh tế, xây dựng, văn hóa, giáo dục, du lịch… Thành phố đã vượt xa so với nhiều thành phố trong khu vực mặc dù xuất phát điểm là khá thấp. Điều đó chứng tỏ bước đi đúng, của sự đoàn kết một lòng giữa ý Đảng lòng dân. Trong 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố luôn đạt 16,4%. Thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, đến năm 2021 đạt 86 triệu đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội, tăng 1,43 lần so với năm đầu nhiệm kỳ và gấp 1,3 lần so với bình quân chung của tỉnh; đến thời điểm này đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn gần 2%. Thành phố Lào Cai là đơn vị tiêu biểu của tỉnh Lào Cai và nhiều năm liền dẫn đầu toàn tỉnh về triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; đến nay, thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một góc của thành phố Lào Cai năng động, phát triển (Ảnh internet)
Thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai về phát triển thành phố Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: “Phát triển Thành phố Lào Cai là đô thị loại I, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là trung tâm khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc về dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu, logistics, du lịch, công nghiệp phụ trợ, về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao…”.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã quy hoạch thành ba khu vực phát triển. Cụ thể, khu vực phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch và logistics; khu vực đô thị hành chính và các cơ sở sản xuất; khu vực ngoại thành sẽ tập chung phát triển du lịch và không gian thành phố.
Trong đó, thành phố chú trọng, tập chung cho khu vực phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch và logistics để phát huy lợi thế là thành phố duy nhất của cả nước có cửa khẩu Quốc tế tiếp giáp với thị trường tiềm năng Vân Nam của Trung Quốc. Thành phố vừa là đầu mối, điểm kết nối giao thương không chỉ của tỉnh mà còn của cả nước với Trung Quốc và ngược lại,…
30 năm chưa phải là dài nhưng không không quá ngắn để khẳng định những bước đi đúng của thành phố biên cương. Những kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua là tiền đề, cơ sở quan trọng để thành phố Lào Cai có những bước phát triển mới trong tương lai; xứng đáng là trung tâm văn hóa, chính trị của vùng Tây Bắc.