Dự phiên họp tại điểm cầu Lào Cai có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các thành viên và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và lấy công dân số làm động lực phát triển. Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số là rất nặng nề, đặc biệt là chỉ đạo, tổ chức thực hiện, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng số; huy động mọi nguồn lực, tạo động lực phát triển nhanh; tăng cường quản trị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…Chuyển đổi số phải gắn với sự phục hồi nhanh, phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công tác chuyển đổi số ở tất cả các cấp, ngành, địa phương có sự chuyển biến rõ nét: 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (6 địa phương do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo gồm: Lào Cai, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Định).
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách được quan tâm, đạt kết quả tốt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định về chuyển đổi số, trong đó phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số Quốc gia. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh.
Theo ước tính, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Số doanh nghiệp công nghệ đăng ký mới thành lập tăng 500 doanh nghiệp so với năm 2021.
Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện. Trong quý I/2022, cổng đã có trên 167 nghìn tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện; trên 163 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng.
Xã hội số với trọng tâm là công dân số được phát triển, một số ứng dụng trong nước đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đa số người dùng Việt Nam.
Tham gia chuyển đổi số, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển. Lào Cai nằm trong số 5 tỉnh sớm nhất thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Đến nay, 100% thủ tục hành chính của tỉnh Lào Cai đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (1.598 thủ tục hành chính); tích hợp 1.305 dịch vụ công mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 81,7%, đứng thứ 3 toàn quốc. Cơ bản người dân trên địa bàn đã có thông tin hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử với trên 700.000 hồ sơ. Xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, kết nối hệ thống hành chính công điện tử của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin của Trung ương. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện các giải pháp nâng cao an toàn, an ninh mạng theo cấp độ; kết nối hệ thống giám sát an toàn thông tin của tỉnh kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia… |
Tại phiên họp, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã thảo luận các nội dung: Hoàn thiện, cụ thể hóa, bổ sung thể chế về chuyển đổi số; đào tạo nhân lực; huy động nguồn lực, phát triển hạ tầng về chuyển đổi số; cải cách hành chính; hợp tác quốc tế… Đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác chuyển đổi số.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, công dân tích cực tham gia vào công tác chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần cương quyết loại bỏ chủ nghĩa hình thức, phô trương, làm mất uy tín. Thời gian tới, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và sự phát triển chung của đất nước. Liên tục đổi mới để có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược trong công tác chuyển đổi số. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực; bám sát từ thực tiễn, nói đi đôi với làm, có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể; sử dụng tài nguyên thông tin hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm… Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá nhân hóa trách nhiệm, nâng cao năng lực nguồn nhân lực; kết hợp hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả, khẩn trương các nhiệm vụ được giao về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo niềm tin cho nhân dân…
Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai.