Sau chặng đường dài, cùng với vị thế mới của đất nước, Lào Cai cũng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm của vùng Tây Bắc. Cảng Hàng không Sa Pa chuẩn bị được khởi công xây dựng như biểu tượng cho giấc mơ bay cao và khát vọng phát triển của các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân các dân tộc Lào Cai.
Xã Cam Cọn (Bảo Yên) những ngày này như một đại công trường, nắng vàng nhuộm đỏ bởi gió bụi, hàng chục phương tiện máy móc chia làm nhiều mũi san núi, bạt đồi chạy đua với thời gian để kịp ngày khởi công dự án. Các hộ trong diện giải phóng mặt bằng xây dựng Dự án Cảng Hàng không Sa Pa đã chuyển tới khu tái định cư, bắt đầu cuộc sống mới.
Không phải ngẫu nhiên mà Cam Cọn được lựa chọn để xây dựng cảng hàng không, trước đó, nhiều địa điểm đã được khảo sát như Gia Phú, Sơn Hà, Bảo Hà, nhưng đều không đáp ứng được yêu cầu. Cam Cọn hội tụ đủ các yếu tố từ khoảng cách địa lý vừa phải đến trung tâm tỉnh lỵ và Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, không quá gần biên giới, địa hình đồi núi nhưng lại tương đối bằng phẳng bởi nằm trên dải đất ven sông. Nhìn từ trên cao mường tượng hình ảnh sân bay hiện đại nằm giữa trập trùng đồi núi xanh thẳm và bên dòng sông Hồng uốn lượn mới thấy khu vực này có địa thế chẳng nơi nào có được.
Còn một điểm quan trọng để khẳng định việc đặt sân bay ở đây là đúng, bởi người dân Cam Cọn một lòng đồng thuận với chủ trương của Nhà nước, chỉ sau gần 2 năm, hàng trăm ha đất đã được giải phóng mặt bằng. Với khối lượng triển khai lớn, hơn nữa, Cảng Hàng không Sa Pa là sân bay thứ 2 trên toàn quốc được Chính phủ giao cho địa phương thực hiện nên ngay sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã khẩn trương hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng cảng hàng không trình Cục Hàng không Việt Nam thẩm định; hoàn thành xây dựng khu tái định cư, tổ chức giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án; ưu tiên cân đối nguồn lực triển khai dự án, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư… Bất kể ngày nghỉ hay ngày lễ, lãnh đạo tỉnh luôn tranh thủ xuống công trường kiểm tra tiến độ, đôn đốc nhà thầu thi công khu tái định cư, động viên các hộ, những người hy sinh lợi ích riêng, phải rời nhà cửa nhường đất thực hiện dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, tỉnh đã ưu tiên cân đối 1.200 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, còn lại gần 3.000 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư huy động. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư xây dựng khu tái định cư với tổng kinh phí gần 409 tỉ đồng để ổn định nơi ở cho các hộ ảnh hưởng bởi dự án. Với một tỉnh còn khó khăn như Lào Cai, việc cân đối gần 1.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng là nỗ lực rất lớn.
Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do tư nhân đầu tư chỉ mất 27 tháng từ ngày khởi công đến khi đón chuyến bay đầu tiên. Lào Cai kỳ vọng với phương thức đầu tư xây dựng tương tự, Cảng Hàng không Sa Pa cũng sẽ sớm hoàn thành, đưa vào khai thác trong giai đoạn 2020 – 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nhiều lần khẳng định, xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa là ước mơ, khát vọng đã hình thành từ rất lâu của lãnh đạo tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ. Đó cũng là mong mỏi của Nhân dân các dân tộc Lào Cai.
Xuất phát từ mong muốn đó, tỉnh Lào Cai đề xuất với Trung ương hình thức đầu tư đối tác công tư PPP. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng Hàng không Sa Pa với tổng kinh phí gần 7.000 tỷ đồng theo hình thức PPP đã đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định 2 lĩnh vực đột phá là: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn; phát triển hạ tầng các đô thị, khu công nghiệp, khu du dịch; đầu tư hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng thời xây dựng thành phố thông minh và phát triển du lịch, dịch vụ. Cao tốc Nội Bài – Lào Cai được xác định là trục kết nối quan trọng; tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được coi là động lực phát triển gắn với hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; còn Cảng Hàng không Sa Pa được đặt cho vai trò như một lực đẩy. Nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn chiến lược đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh vào Lào Cai đều đang trông chờ lực đẩy này. Nhìn vào tác động của cao tốc Nội Bài – Lào Cai từ khi đưa vào vận hành khai thác đến nay sẽ thấy vai trò của Cảng Hàng không Sa Pa với du lịch, thương mại, thu hút đầu tư.
Theo Quy hoạch phát triển tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2030, sau năm 2030 sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạng mục của dự án đạt công suất 3 triệu hành khách/năm, đảm bảo khả năng khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ khi có nhu cầu. Trường hợp khi các hãng hàng không có nhu cầu mở rộng các chuyến bay quốc tế thường lệ và có hạ tầng đảm bảo thì lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển thành cảng hàng không quốc tế.
Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022 tại Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Bắc là giao thông. Bởi vậy, phải giải quyết 2 nhiệm vụ: Nhiệm vụ thứ nhất, kết nối Tây Bắc với các vùng, miền trong cả nước và thế giới, thứ 2 là kết nối các địa phương với hệ thống giao thông của Trung ương. Sân bay Sa Pa – Lào Cai là một trong những sân bay chính của Tây Bắc kết nối đến các miền của Tổ quốc và nước ngoài.
Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư và đưa vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc và cả nước nói chung, từng bước góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông của tỉnh; thúc đẩy liên kết vùng của Lào Cai với các địa phương của Việt Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc. Tạo kết nối với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam tại khu vực miền Trung, miền Nam của đất nước và với thị trường hơn 300 triệu dân thuộc các tỉnh vùng Tây Nam của Trung Quốc; cầu nối giao thương trọng điểm của Tây Bắc với cả nước và khu vực ASEAN nói chung. Cảng Hàng không Sa Pa sẽ là cầu nối quan trọng để phát triển thương mại, du lịch – dịch vụ, đồng thời là giải pháp thu hút, phát triển ngành du lịch của tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.