LCĐT – Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá sản phẩm đầu ra giảm, người chăn nuôi đang thua lỗ và đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Việc thắt chặt chi phí đầu tư, giảm đàn, sử dụng nguyên liệu sẵn có… đang là lựa chọn của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, người chăn nuôi đang xoay xở tìm cách thích ứng phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Ông Trần Văn Hoan, xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng) cho biết: Hiện 1 bao cám 25 kg có giá 350 – 390 nghìn đồng, tăng hơn 60 nghìn đồng/bao so với cuối năm 2020. Với giá thức ăn liên tục tăng, gia đình đã phải giảm số lượng đàn xuống khoảng 4.000 con gà thay vì nuôi hơn 8.000 con như trước.
Để cắt giảm chi phí, ông Hoan ưu tiên sử dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như ngô, sắn, chuối… phối trộn làm thức ăn cho gà.
Xã Quang Kim (huyện Bát Xát) có 64 ha nuôi thủy sản tập trung với giá trị sản xuất đạt hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Các hộ ở đây chủ yếu nuôi thương phẩm cá rô phi, cá chép, trắm. Để ứng phó với giá thức ăn chăn nuôi cao, nhiều hộ đã đổi mới quy trình nuôi, thay đổi từ sử dụng thức ăn công nghiệp sang thức ăn tự phối trộn. Anh Phạm Văn Hàn, xã Quang Kim cho biết: Tôi tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như ngô hạt, đậu tương, cám gạo, phối trộn thêm bột cá, bột tôm. Tất cả được trộn lẫn, cho vào máy nghiền, sau đó ép thành cám viên. Sử dụng thức ăn hoàn toàn từ nông sản tuy thời gian nuôi kéo dài hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nhưng đổi lại thịt thơm, ngon, cá chắc thịt, giá bán cao hơn nhiều so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp, trong khi tiết kiệm gần 20% chi phí thức ăn.
Hộ ông Lê Mạnh Quý, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) đang nuôi gần 8.000 con lợn, gồm lợn nái, lợn con và lợn thịt. Toàn bộ nguồn giống không phải mua mà tự sản xuất, nên đã giải quyết được nỗi lo về con giống. Để tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, ông mua nguyên liệu và phụ gia của các nhà máy sản xuất thức ăn trong nước, sau đó tự gia công. Với mức tiêu thụ 4.000 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng, nhờ cách làm này, mỗi tháng ông tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng tiền mua thức ăn chăn nuôi.
Đối với người chăn nuôi lợn, bên cạnh việc giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh thì tâm lý lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh nên chỉ dám nuôi cầm chừng, không tăng đàn. Các hộ thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học – kỹ thuật. Cũng nhiều hộ chuyển sang nuôi gia cầm sử dụng ít thức ăn công nghiệp hơn và thời gian nuôi có thể kéo dài.
Anh Phan Nhật Quang, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) cho hay: Trước năm 2021, hợp tác xã nuôi khoảng 500 con lợn, 80.000 con gà. Mỗi năm, đàn vật nuôi tiêu thụ khoảng 20 tỷ đồng tiền thức ăn công nghiệp. Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, giá vật nuôi giảm, chúng tôi đã giảm hẳn đàn lợn, chỉ duy trì nuôi gà, bởi gà có thể nuôi bán công nghiệp mà không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Hợp tác xã cũng tăng cường phối trộn thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có. Việc thay đổi thức ăn chăn nuôi đã giúp hoạt động của Hợp tác xã được ổn định. Không chỉ vậy, khi sử dụng thức ăn có thành phần hữu cơ cũng giúp chất lượng sản phẩm vật nuôi được nâng lên.
Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để phát triển ổn định chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi duy trì chăn nuôi kết hợp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (ngô, sắn, cám gạo) phối trộn với thức ăn công nghiệp đậm đặc để hạ giá thành sản phẩm; sử dụng chế phẩm sinh học ủ thức ăn cho đàn vật nuôi để tăng khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, sức đề kháng dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường.