Phóng viên: Thưa ông, Chương trình 1719 có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai?
Ông Nguyễn Văn Bảo: Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua, cùng với những chính sách mới nhưng được thay đổi cơ bản về cách tiếp cận, đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển.
Đây là chương trình có sự đầu tư lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất đối với phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cả nước nói chung, tỉnh Lào Cai nói riêng. Điều này thể hiện ở các nội dung:
Chương trình nhằm từng bước giải quyết các vấn đề nổi cộm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế – xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư. |
Đối tượng, phạm vi địa bàn thực hiện chương trình là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với tỉnh Lào Cai, vùng này có 138/152 xã, phường, thị trấn, trong đó bao gồm những xã, thôn đặc biệt khó khăn là vùng “lõi nghèo” của tỉnh; những xã, thị trấn biên giới là địa bàn trọng yếu về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Nội dung của chương trình được bố trí thành 10 hợp phần hoặc gọi là 10 dự án thành phần, gồm 55 nội dung, chính sách, đã bao gồm tất cả các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc trong phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đầu tư hạ tầng đến sản xuất, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa…
Về nguồn lực, theo Quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến tổng vốn thực hiện Chương trình 1719 toàn quốc là 137.665 tỷ đồng. Như vậy, lần đầu tiên Quốc hội, Chính phủ quyết định đầu tư một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay.
Phóng viên: Thưa ông, những lĩnh vực nào được ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư từ chương trình này?
Ông Nguyễn Văn Bảo: Việc phân bổ nguồn lực theo các lĩnh vực thực hiện chương trình ở tỉnh trước hết phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và các quy định của Trung ương.
Thứ hai là phải gắn với nhu cầu thực tế ở địa phương, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển các lĩnh vực theo nghị quyết, chương trình, đề án trọng tâm của Tỉnh ủy giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, bố trí vốn thực hiện chương trình này phải có sự kết nối, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và nhiều chương trình, dự án khác trên địa bàn để phát huy hiệu quả cao.
Hiện nay, Trung ương chưa giao kế hoạch cũng như nguồn vốn thực hiện chương trình cho các địa phương. Tuy nhiên, định hướng phân bổ nguồn lực ở tỉnh là sẽ dành đáng kể cho các chính sách phát triển thông qua đầu tư hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế; giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và các chính sách an sinh xã hội cho đồng bào có khó khăn đặc thù và còn nhiều khó khăn. Trong phân bổ nguồn vốn sẽ ưu tiên các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Phóng viên: Tỉnh Lào Cai đã chuẩn bị các điều kiện gì để thực hiện các dự án, đặc biệt là việc quản trị, sử dụng nguồn vốn, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Bảo: Trong khi chờ Trung ương ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và giao kế hoạch thực hiện chương trình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo công tác chuẩn bị để triển khai khi trung ương giao nguồn vốn. Ngày 16/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 98 về tổ chức triển khai chương trình năm 2022. Đến nay, tỉnh đã kiện toàn tổ chức chỉ đạo, quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 ở các cấp trong tỉnh; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể tới các thành viên, các cơ quan, đơn vị.
Tỉnh cũng rà soát, tổng hợp bước đầu nhu cầu các danh mục dự án đầu tư theo nguồn vốn chương trình; giao chuẩn bị đầu tư trước một số dự án xây dựng để cấp huyện, cấp xã chủ động khảo sát, thiết kế, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; tham mưu xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh; xây dựng quyết định ban hành quy định về quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025…
Tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022; hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo định kỳ theo quy định.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!