LCĐT – UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch giao rừng cấp huyện năm 2023 trên địa bàn các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và thị xã Sa Pa.
Theo đó, tổng diện tích rừng đề nghị được giao khoảng 2.393 ha. Trong đó, thị xã Sa Pa dự kiến giao 2.200 ha (địa điểm thực hiện tại xã Liên Minh); huyện Văn Bàn dự kiến giao 181,06 ha (địa điểm tại xã Khánh Yên Thượng và xã Chiềng Ken); huyện Bảo Yên dự kiến giao 12,6 ha (địa điểm tại xã Tân Tiến). Loại rừng đề nghị được giao là rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ, sản xuất.
Các thành viên Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” đi thực tế tại địa điểm giao rừng cho cộng đồng thuộc xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên. |
Thực hiện giao rừng cho 7 cộng đồng dân cư các thôn bản với hình thức giao rừng không thu tiền sử dụng rừng gồm: thôn Nậm Cang và thôn Nậm Than, xã Liên Minh (thị xã Sa Pa); thôn Nà Lộc, thôn Noong Dờn, xã Khánh Yên Thượng và thôn Hát Tình, thôn Tằng Pậu, xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn); bản Nà Phung, xã Tân Tiến (Bảo Yên).
Về kinh phí thực hiện đối với thị xã Sa Pa, do Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (tên viết tắt là VFBC) tài trợ; đối với huyện Bảo Yên, Văn Bàn được hỗ trợ từ Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” do Cộng đồng chung châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện bởi Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (tên viết tắt là Cisdoma).
Rừng được giao cho cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững. |
Kế hoạch giao rừng cấp huyện năm 2023, với mục tiêu thực hiện giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng bền vững; sản xuất nông, lâm nghiệp dưới tán rừng theo quy định hiện hành, phát huy thế mạnh của rừng, bảo vệ và phát triển được vốn rừng; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.