Quê ở Phú Thọ, năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, Phùng Thế Tùng viết đơn tình nguyện lên công tác tại huyện vùng cao Mường Khương. Nơi đầu tiên anh được phân công giảng dạy là một phân hiệu thuộc xã Dìn Chin. “Tôi biết đến Mường Khương qua những câu chuyện kể của một người anh cùng quê từng tham gia dạy xóa mù chữ tại các trường học vùng cao. Ấn tượng về vùng đất đầy gian khó này khiến tôi nung nấu ý định sẽ cống hiến thanh xuân của mình tại đây” – thầy Tùng kể.
Ngày nhận nhiệm vụ, thầy Tùng đi lạc lên nương không có dấu chân người, hỏi đường thì không ai biết tiếng phổ thông. Một mình một đường giữa bao la đồi núi, loay hoay gần nửa ngày, thầy giáo trẻ vẫn chưa tìm được đường đến thôn. Nhớ lại lời dặn của người anh, thầy Tùng men theo đường mòn có nhiều dấu chân trâu, chân ngựa, cuối cùng sau một ngày trời, anh cũng tới nơi mình được giao nhiệm vụ “gieo chữ”.
Thầy Tùng truyền dạy kiến thức cho học sinh với đầy trách nhiệm và yêu thương. |
Nhấp một ngụm trà, giọng kể của thầy Tùng chậm lại đôi chút. Giai đoạn ấy thực sự khó khăn, dường như cái gì cũng thiếu. Đầu tiên là thiếu điện. Để có ánh sáng, các thầy, cô phải lấy củi đốt lửa, vừa sưởi vừa soạn giáo án. Tiếp đó là thiếu nước sinh hoạt. “Tôi vẫn nhớ, có những ngày, 3 thầy giáo chia nhau một ca nước dùng để vệ sinh cá nhân vào buổi sáng sớm. Suốt nhiều năm, cả giáo viên và học sinh tại các điểm trường đều phải tranh thủ thời gian đi xách nước từ rất xa về trường để đảm bảo sinh hoạt, bởi lẽ, ở gần trường không tìm đâu ra mạch nước. Ngày nào cũng vậy, thầy trò “hành quân” đi xách nước rồi về đổ vào các hồ chứa tự đào. Hết một tuần làm việc, thầy cô kéo nhau về thị trấn, mang theo quần áo, chăn màn về giặt. Chiều Chủ nhật quay lại trường, hành trang của họ là những bộ quần áo đã được giặt thơm tho, mặc trong cả tuần và sau xe không quên chở theo một, hai can nước sạch để ăn uống” – thầy Tùng nhớ lại.
Ngày ấy, rất nhiều giáo viên không chịu được khổ nên đã xin nghỉ việc. Thầy Tùng cũng từng viết thư gửi về cho bố mẹ để “ôn nghèo, kể khổ”. Hồi âm lại lá thư cho con trai, mẹ của thầy Tùng căn dặn: “Ngày xưa, bố con tham gia chiến tranh còn khó khăn, vất vả đến nhường nào, chỉ mong sống sót trở về với người thân. Thế hệ của bố, các bác, các chú còn chịu được, huống chi là mình. Thế nên, con phải cố gắng giữ lấy nghề cao quý”.
Thầy Tùng hiện là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy, huyện Mường Khương. |
Bức thư đó là động lực lớn nhất để thầy giáo trẻ bám trụ lại vùng cao. Trải qua nhiều cương vị công tác ở các xã được coi là gian khó nhất của huyện Mường Khương như Dìn Chin, Nậm Chảy, Tả Gia Khâu, thầy giáo Tùng luôn tâm huyết với nghề dạy chữ. Với sự nhiệt huyết và những cống hiến cho ngành giáo dục, từ năm 2009 đến nay, thầy Tùng được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu và nay là Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy, huyện Mường Khương.
Sau hơn 20 năm, thầy Tùng vẫn lên lớp, với phấn, giáo án, bục giảng như mọi ngày. Thế nhưng, trong ký ức người thầy vẫn không thể quên những ngày đầu bám bản.
Hơn 100 lá thư trong hơn 20 năm giảng dạy như “kho báu” mà các thế hệ học trò dành cho thầy Tùng. |
Thầy Tùng mở chiếc hòm tôn góc giường, lấy ra một tập thư “khoe” với tôi. “Đó! Gia tài lớn nhất mà tôi giữ được sau ngần ấy năm giảng dạy” – thầy Tùng đùa. Quà chia tay của học sinh cuối cấp là những bức thư tự thiết kế. Các em xé giấy ô ly gấp thành phong bì, viết thư, vẽ hình, tô màu. Trong thư, học sinh kể lại những lần thầy Tùng quát, lần bị phạt, những đêm thầy đến kiểm tra giờ giấc các em… Những dòng chữ nắn nót, ngay ngắn là những xúc cảm chân thành của những cô, cậu học trò dành cho thầy hiệu trưởng đáng kính.
“Thầy ạ! Em nhớ thầy, nhớ bóng dáng của thầy trên bục giảng, nhớ nét chữ của thầy in trên bảng phấn, nhớ đôi mắt buồn ngủ của thầy vì thức khuya soạn giáo án, nhớ cả nụ cười hiền hòa của thầy khi vui đùa với chúng em trong những giờ giải lao”. “Thầy ơi, năm sau em không còn được học thầy nữa rồi. Em hứa sẽ chăm ngoan, học thật giỏi để giúp bố mẹ thoát nghèo như lời thầy căn dặn”. “Mai thầy chuyển trường rồi, em sẽ nhớ thầy nhiều lắm. Thầy nhớ giữ gìn sức khỏe và không được quên cậu học trò nghịch ngợm hay bị thầy trách móc này nhé”. “Thầy ơi! Khi tiếng ve hè kêu lên cũng là lúc chúng em phải xa mái trường tiểu học để lên một cấp học mới. Em và các bạn sẽ rất nhớ thầy, nhớ những đêm thầy soi đèn pin xem chúng em đã đắp chăn ấm chưa? Với chúng em, thầy không chỉ là người thầy, mà còn là người cha, người bạn, là nguồn động viên to lớn…”.
Những lá thư, tấm thiệp học sinh dành tặng thầy Tùng. |
Thầy Tùng vẫn không thể nào quên được lá thư đầu tiên mà học sinh đã viết cho mình. Đó là một học sinh lớp 5 vô cùng ngỗ ngược. Thầy Tùng đã hẹn gặp em trong một buổi chiều tan học. Trên ghế đá sân trường, thầy Tùng lần đầu tiên được lắng nghe những chia sẻ của em về gia đình. Bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa, em phải sống với bà. Không nhận được sự quan tâm của người thân, cậu học trò trở nên ngang bướng, bất cần và nổi loạn. Từ “đáng trách”, thầy Tùng thấy em thật “đáng thương”. Nắm chặt tay cậu bé, thầy Tùng đã khuyên răn em nhiều điều, rằng em phải học thật giỏi mới có tương lai tươi sáng, phải là chỗ dựa cho bà của mình, phải sống sao cho xứng đáng với công nuôi dưỡng của mẹ mình đang phải vất vả mưu sinh ở nơi xa… Những lời nói từ trái tim người thầy đã cảm hóa được cậu học trò ấy. Kết thúc năm học, sau khi nhận được giấy khen học sinh xuất sắc, cậu học trò ấy đã viết cho thầy giáo của mình: “Thầy ơi, mỗi lần nhớ tới những lời của thầy, em lại cố gắng học và giờ em đã làm được rồi. Sang cấp học mới, em sẽ cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng thầy”.
Không chỉ là thầy giáo, thầy Tùng còn như người cha luôn bên cạnh yêu thương và chia sẻ với học trò. |
Hơn 100 lá thư trong hơn 20 năm giảng dạy như “kho báu” mà các thế hệ học trò dành tặng thầy giáo Tùng. Mỗi lá thư với những lời chan chứa tình cảm không chỉ động viên để thầy Tùng vững vàng hơn với nghề, mà còn là nguồn động lực to lớn để thầy tin vào con đường mình đã lựa chọn, khơi dậy trong mỗi học sinh lòng trắc ẩn, tinh thần nỗ lực, vượt khó, vươn lên.