Lò rèn của hộ ông Tẩn A Tung vẫn sáng lửa đều. |
Gia đình ông Châu A Gả là một trong số ít gia đình ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa còn giữ được nghề rèn truyền thống. Đây là nghề cha truyền con nối của gia đình ông Gả. Khi mới được truyền nghề, ông Gả chủ yếu tự rèn nông cụ phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình và giúp vài hộ trong thôn. Sau nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, ông rèn thêm nhiều mặt hàng để cung cấp cho người dân trong xã và các xã lân cận. Đến nay, với hơn 30 năm làm nghề, các sản phẩm rèn của gia đình ông được nhiều người biết đến như dao, cuốc, lưỡi cày… Cũng có thời điểm, sản phẩm rèn thủ công bị “thất sủng” bởi khó cạnh tranh với hàng công nghiệp cùng loại giá rẻ. Những năm gần đây, ngày càng nhiều khách hàng có xu hướng tìm mua đồ rèn thủ công, vì thế lò rèn nhà ông Gả tiếp tục rực lửa ngày đêm.
Ông Châu A Gả tâm sự: Để làm ra những sản phẩm ưng ý, ngoài việc chọn được loại thép tốt, phù hợp cho từng sản phẩm, còn đòi hỏi kinh nghiệm tôi thép. Đây là công đoạn khó nhất và cũng quan trọng nhất để sản phẩm đạt chất lượng. Để mỗi sản phẩm có độ bền cao, sử dụng trong thời gian dài thì phế liệu nhíp ô tô là nguyên liệu tốt nhất.
Qua mỗi lần làm dao, ông tự đúc kết kinh nghiệm tôi, nung thép, đập búa trên đe. Vào mùa hè, ông cho thêm đá lạnh vào nước tôi dao giúp dao thêm cứng, sắc bén. Ông không dùng dầu nhớt xe máy mà sử dụng nước lã và chỉ đổ nước bằng một phần lưng của dao, như thế dao vừa sắc, bền lại dẻo, nếu cho dao ngập nước thì dễ bị cong, mẻ.
“Làm hoàn chỉnh một con dao, thợ rèn phải thạo cả nghề mộc để làm chuôi và vỏ dao. Vỏ thì dễ làm hơn, còn chuôi dao đòi hỏi rất kỳ công. Chúng tôi phải vào rừng sâu tìm cây mít rừng, loại gỗ thích hợp nhất để làm chuôi dao. Từng khúc gỗ có độ dài thích hợp được bào tròn như cán cuốc, tạo khe ở giữa, sau đó lắp 2 mặt gỗ lại bằng những khâu đồng hoặc nhôm”, ông Gả cho biết.
Tuy nhiên, nếu chỉ trông vào việc rèn những nông cụ bán cho người dân địa phương thì lò rèn không thể rực lửa đều đặn, lợi nhuận cũng không cao. Những thợ rèn ở xã Mường Hoa đã nhạy bén với thị trường, tìm ra hướng đi mới, đó là tạo ra những sản phẩm vừa giữ nét văn hóa truyền thống, vừa mang tính thẩm mỹ cao phục vụ khách du lịch. Tiêu biểu là sản phẩm dao sừng trâu để treo trang trí. Dao sừng trâu có cán và vỏ bao đều được làm từ sừng trâu, chuôi dao làm từ sừng trâu nhỏ, vỏ bằng sừng trâu to. Để mài được sừng trâu nhẵn, bóng và như ý cần có máy mài và kỹ thuật công phu.
Ông Tẩn A Tung (trái ảnh) giới thiệu dao sừng trâu với khách hàng. |
Ông Tẩn A Tung ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa cho biết: Để làm được một con dao vỏ bằng sừng trâu thì ngoài rèn lưỡi dao như ý thì việc chọn sừng trâu làm vỏ bao cũng rất quan trọng. Gia đình tôi phải đi mua sừng trâu tận tỉnh Lai Châu, sừng trâu trắng có giá trị và được thị trường ưa chuộng hơn sừng trâu đen.
Giá mua nguyên liệu được tính theo cân, mỗi kg sừng trâu có giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng. Dao được bán từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/đôi tùy kích cỡ, màu sắc.
Nhờ làm các sản phẩm phục vụ khách du lịch mà công việc của những lò rèn ở Mường Hoa đều hơn, thu nhập của thợ rèn cũng phần nào thỏa đáng với công sức bỏ ra, giúp họ có điều kiện giữ gìn tinh hoa nghề truyền thống.
Điều đáng mừng là hầu hết lò rèn ở Mường Hoa hiện nay vẫn sử dụng các công cụ truyền thống. Các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm… Chính vì vậy, đồ rèn của các lò rèn của xã Mường Hoa làm ra không chỉ bền, mà còn có có độ tinh xảo, sắc bén riêng biệt, kết tinh cả truyền thống văn hóa lâu đời.
Ông Tẩn A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Mường Hoa cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 10 hộ vẫn giữ được nghề rèn truyền thống. Nghề rèn không chỉ góp phần thiết thực vào đời sống, lao động, sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông nơi đây. Với những hướng đi mới, tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch, nghề rèn trên địa bàn xã lại càng có cơ hội phát triển hơn nữa.