Cụ thể, vào khoảng 6 giờ tối ngày 24/3, tại bếp ăn công trình của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoàng Quân 668 ở thôn Bản Sái, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) có tổ chức bữa ăn tối cho 12 người gồm 5 món: Canh tiết lợn nấu với ngọn cây rau đắng (người dân địa phương thường gọi là rau đắng cẩy), món ngọn cây rau đắng xào, món thịt lợn sốt đậu phụ cùng cơm trắng và rượu gạo.
Sau khi ăn khoảng 30 phút, có 3 người bất ngờ xuất hiện biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn nên đã được đưa lên Trạm Y tế xã Thanh Bình khám điều trị.
Tiếp theo đó có thêm 7 công nhân khác cùng ăn bữa tối với các món kể trên có biểu hiện tương tự 3 người đi trạm xá trước điều trị cũng đã được đưa đến cơ sở y tế địa phương điều trị.
Trong số 12 người ăn có 2 người không ăn món cây rau lạ thì không có biểu hiện gì. Ngay sau đó có một số người có các triệu chứng trở nặng như có ảo giác, khó thở, môi và tứ chi tím tái đã được đưa ngay lên Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa cấp cứu.
Đến 8 giờ sáng ngày 26/3 có 10 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện trở về đơn vị.
Qua xác minh, người nấu bữa ăn tối ngày 24/3 là người dân tộc Nùng nhà ở bên huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) sang, do trời tối cộng với cây hoa chuông lúc còn non nhìn giống với cây rau đắng dẫn đến nhầm lẫn lấy về xào ăn nên gây ra sự ngộ độc.
Theo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, cây hoa chuông có tên gọi khoa học là Scopolamine hay còn được gọi là cây “Hơi thở của quỷ”.
Loại cây này có nguồn gốc, xuất xứ từ Borrachero. Nhờ hình dạng lạ, đa dạng màu sắc mà loài cây này rất được ưa chuộng trên thế giới. Đây là loại cây lâu năm rễ mọc ngầm thành cụm dày trong lòng đất. Hoa của loài cây này trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và màu vàng nhìn rất đẹp mắt.
Tuy nhiên, tất cả các bộ phận trên cây hoa chuông đều chứa độc tố nên ai đó lỡ ăn nhầm sẽ bị trúng độc ngay lập tức. Ở dạng nhẹ, bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng…
Ở thể nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng.
Do độc tính của cây quá mạnh, để tránh các trường hợp ngộ độc người trồng cây hoa chuông làm cảnh không được dùng bất kỳ bộ phận nào của loại cây này để chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, để phòng chống ngộ độc thực phẩm các loại cây, quả rừng nói chung, ngộ độc quả cây hoa chuông nói riêng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại cây, quả rừng khi không rõ nguồn gốc, đặc biệt không nên trồng các cây thuộc họ cà độc dược, trong đó có cây hoa chuông để làm cảnh.
Khi bị ngộ độc cây quả rừng trước hết cần gây nôn cho bệnh nhân, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu và điều trị.
Tin và ảnh: Phạm Ngọc Triển