Để thực hiện chuyển đổi số, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành viên là người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin lớn trên địa bàn. Tỉnh cũng tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề mời các chuyên gia trong nước phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, các xu hướng, giải pháp công nghệ mới cho các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã; ký kết chương trình hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như VNPT, Viettel, FPT để huy động tối đa các nguồn lực về lĩnh vực này. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 257 ngày 4/6/2021 về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 372 về chuyển đổi IPV4 sang IPV6; Kế hoạch số 206 về đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, biên lai điện tử, bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính.
Các cơ quan chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã chuyển đổi số trong kiểm soát người xuất – nhập cảnh. |
Viễn thông (VNPT) Lào Cai – một trong những đơn vị nòng cốt tham gia các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. VNPT Lào Cai đã duy trì hoạt động hiệu quả cổng thông tin điện tử của tỉnh và 90 cổng thành viên của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, phường, xã, thị trấn. Cùng với đó, doanh nghiệp đã hỗ trợ 100% xã, phường thuộc UBND thành phố Lào Cai và 100% trường THPT trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai cổng thành phần để tăng cường thông tin về cơ sở và thực hiện các thủ tục hành chính điện tử.
VNPT Lào Cai đã triển khai đồng bộ hệ thống dịch vụ hành chính công đến 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã; hỗ trợ quản lý, giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa và công khai 2.228 thủ tục hành chính. Ngoài ra, hệ thống dịch vụ hành chính công được thiết kế kết nối với hệ thống quản lý hồ sơ chuyển phát của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) để người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn tiếp nhận hồ sơ/trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đặc biệt, năm 2021, VNPT đã phối hợp hoàn thành việc tích hợp liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, tích hợp thành công nội dung thanh toán trực tuyến hỗ trợ công dân trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tham gia hỗ trợ phối hợp với đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính của tỉnh công khai 451 thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Ông Phạm Duyên Thủy, Phó Giám đốc VNPT Lào Cai cho biết: Cùng với việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, VNPT Lào Cai cũng triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh trên địa bàn tỉnh bằng các phần mềm chuyên dụng trong quản lý, khai thác thông tin về các lĩnh vực trên. Năm 2022, VNPT Lào Cai tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số với trọng tâm là triển khai, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và quản lý kế hoạch, theo dõi công việc trên môi trường mạng viễn thông…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, trong các chỉ tiêu của Đề án số 08 của Tỉnh ủy, đến hết năm 2021, chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn tỉnh là 1.598/1.999 dịch vụ, đạt 80% và đạt 100% mục tiêu thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp được 1.328 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 83%. Hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng di động đến 100% trung tâm xã, trường học, bệnh viện và trên 98% thôn, bản. UBND tỉnh đang đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông thế hệ mới 5G trên địa bàn để các tập đoàn, tổng công ty ưu tiên đầu tư, triển khai trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.
Ngành thuế của tỉnh thực hiện chuyển đổi số để giải quyết thủ tục hành chính. |
Theo ông Tăng Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin toàn diện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai kế hoạch chuyển đổi IPV6, phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; phát triển và đưa vào khai thác sử dụng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh Lào Cai (LGSP), triển khai nền tảng đô thị thông minh, kết nối liên thông với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; thực hiện chính sách hỗ trợ công chức, viên chức làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin của tỉnh; duy trì bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) của tỉnh và thực hiện các giải pháp nâng cao an toàn thông tin, an ninh mạng theo từng cấp độ, bảo vệ dữ liệu của các cơ quan trong hệ thống chính trị, dữ liệu cá nhân theo quy định; kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp…
Trong thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Lào Cai coi 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với phát triển đô thị thông minh và phải đảm bảo đồng bộ, tổng thể, có tính kế thừa, lấy người dân là trung tâm. Vì vậy, tỉnh cần tập trung thực hiện nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về chuyển đổi số, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn dân trong chuyển đổi số; coi thể chế và công nghệ là động lực để chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Cùng với đó, coi việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững.
Định hướng phấn đấu chuyển đổi số đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố của cả nước dẫn đầu về chuyển đổi số, lấy đó là trung tâm để tạo sự đột phá mạnh mẽ trên cả 3 thành phần: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.