Khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các xã đều có xuất phát điểm thấp, nhất là các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Mục tiêu cuối cùng của XDNTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và trở thành những vùng quê đáng sống.
Lê VH6-Một trong những hướng thoát nghèo của bà con vùng cao.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần lớn vào hoàn thành mục tiêu đề ra nên từ khi bắt đầu triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động một cách thường xuyên, liên tục, sâu rộng và luôn đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực xây dựng những giải pháp tuyên truyền phù hợp nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong thực hiện XDNTM. Quá trình tuyên truyền, vận động, định hướng nhân dân không chỉ đi trước một bước mà vào những công việc cụ thể, sát thực tiễn, theo lộ trình, nội dung từng giai đoạn để hoàn thành mục tiêu.
Theo đó, ngay từ đầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các ngành, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, lồng ghép với phát động phong trào thi đua qua các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, đặc biệt là thực hiện cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Những cách làm hay, hiệu quả được các địa phương thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, học tập áp dụng nhân rộng.
Các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội vào cuộc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và tạo nên phong trào XDNTM thiết thực như: hiến đất, hiến cây cối, hoa màu xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, làm giao thông sôi nổi; thi đua phát triển kinh tế gia đình; xây dựng đường hoa, điện chiếu sáng… chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới; qua đó tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời góp phần tạo được sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân và cả hệ thống chính trị cùng chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Qua 11 năm thực hiện, Lào Cai được trung ương đánh giá là điểm sáng trong XDNTM, luôn dẫn đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đến tháng 08/2022, đã có 62/127 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 04/62 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Xuân Quang, Sơn Hà, huyện Bảo Thắng; Tà Chải, huyện Bắc Hà; Liên Minh, thị xã Sa Pa), 02/09 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng).
Công tác tuyên truyền đã thực sự phát huy hiệu quả, chỉ trong 06 tháng đầu đầu năm 2022 đã huy động được các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế – xã hội và nhân dân đóng góp được 52.198,81 triệu đồng, 55.575 ngày công lao động, 195 tấn xi măng; xây dựng 5 nhà đại đoàn kết, 287 cột bóng đèn, hiến 19.170 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Qua công tác tuyên truyền, người dân đã tự nguyện, tích cực tham gia ủng hộ trên 1.856 ngày công để trồng mới và trồng dặm 74,5 km đường hoa, 56 chậu hoa, bảo dưỡng và làm gần 56 km tuyến phố điện; chăm sóc 175,5 km đường hoa nông thôn mới tại các xã. Vận động trồng mới 17 tuyến đường hoa với chiều dài 12,55 km; nâng tổng số đường hoa nông thôn mới lên 271 tuyến, 210,25 km tại 109 xã trên địa bàn toàn tỉnh.
Diện mạo nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao đã có sự thay đổi tích cực, toàn diện, văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất tinh thần người dân được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vai trò vị thế của người dân ngày càng được nâng cao.
XDNTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động XDNTM. Xác định XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Nội dung tuyên truyền tập trung vào thực hiện các tiêu chí, các cách làm hay, sáng tạo, gắn tuyên truyền XDNTM với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Gắn công tác tuyên truyền với công tác vận động để nông dân thể hiện vai trò chủ thể trong XDNTM bằng các hành động cụ thể, thiết thực hoàn thành các tiêu chí NTM.